Bệnh viêm gan A là bệnh tính cấp tính nhưng thường tự giới hạn (tự hết) và không diễn tiến mãn tính như viêm gan B, C cho nên không gây tổn thương gan kéo dài. Virus gây viêm gan A (HAV) lây truyền từ người qua người theo đường phân, miệng: virus đi từ phân của người mắc bệnh vào thức ăn đồ uống và người lành tiếp xúc với virus qua thức ăn đồ uống đã bị nhiễm. Điều này cho thấy việc lây truyền viêm gan A liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Khi nhiễm virus viêm gan A cơ thể sẽ tạo ra các chất chống lại virus này, gọi là kháng thể anti-HAV. Có hai loại anti-HAV: IgM và IgG. Loại IgM xuất hiện từ lúc bệnh khởi phát và thường biến mất trong vòng bốn tháng, nó biểu thị cho tình trạng đang nhiễm hoặc nhiễm gần đây virus viêm gan A. Còn loại anti-HAV IgG thì xuất hiện sau IgM một thời gian ngắn, tồn tại kéo dài trong nhiều năm, nó cho biết quá khứ đã nhiễm virus viêm gan A hoặc đã được chích ngừa virus này.
Kết quả xét nghiệm của bạn cho biết anti-HAV toàn phần, gồm cả IgM và IgG, mà không có kết quả anti-HAV loại IgM, nên dựa vào đó chúng ta không rõ tình trạng nhiễm virus viêm gan A của bạn ở giai đoạn nào. Bạn cũng không cho biết mình có các biểu hiện của viêm gan A như sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da, vàng mắt... hay không (nhưng cũng cần lưu ý là người mắc bệnh viêm gan A cũng có thể không có biểu hiện gì, hoặc các triệu chứng cũng rất mơ hồ).
No comments:
Post a Comment