Bệnh viêm gan A đau đâu chữa đó
Như những bệnh cảm cúm thông thường, đa số những bệnh viêm gan A không cần chữa tự nhiên cũng hết. Nếu cần, quý vị có thể dùng một số thuốc như Tylenol khi bị đau nhức, Pepto-bismol, Imodium nếu bị tiêu chảy, hoặc thuốc nhét hậu môn (suppositories) như Tigan, Compazine, v.v., trong lúc nôn ói. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên dùng thuốc trong những trường hợp bất khả kháng mà thôi. Càng ít chừng nào, càng tốt chừng nấy. Uống thuốc khi gan đang bị viêm cấp tính không khác hơn là "châm dầu vào lửa". Tuyệt đối không được uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc thuốc có chứa chất rượu. Những phương pháp cổ truyền như đấm bóp (massage), ấn huyệt (acupressure), xoa dầu nóng, cạo gió (coin rubbing), xông hơi (steam bath), châm cứu (acupuncture) nếu được ứng dụng đúng cách có thể thuyên giảm một số triệu chứng như đau nhức, khó chịu, buồn nôn, ói mửa, v.v. mà không gây ảnh hưởng xấu đến lá gan. Hãy tham khảo kỹ lưỡng với bác sĩ của mình mỗi lần dùng các loại thuốc khác nhau, ngay cả khi uống các loại dược thảo.
NHẬP VIỆN:
Nếu bệnh nhân bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa liên tục và không ăn uống được; họ cần nhập viện để chữa trị. Thuốc men và thức ăn sẽ được truyền qua đường nước biển, giúp cơ thể của họ chóng phục sức hơn. Nếu gan bị tàn phá một cách quá mãnh liệt như trong trường hợp viêm gan ác tính (fulminant hepatitis), bệnh nhân cần được chuyển về những trung tâm y khoa đại học để được ghép gan (liver transplant). Tóm lại, cách thức chữa bệnh viêm gan A cấp tính thay đổi theo từng trường hợp, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân và cũng như kinh nghiệm hành nghề của người y sĩ. Vì bệnh viêm gan A dễ lây nhất trong thời gian TRƯỚC khi phát bệnh, nên bệnh có thể lây lan rất nhanh. Một khi bệnh nhân đã có những triệu chứng như vàng da, bệnh không còn lây nữa. Vì thế, họ không cần phải nằm riêng biệt trong những phòng đóng kín. Như viết ở trên,bệnh viêm gan A không gây ra bệnh viêm gan kinh niên và không đưa đến chai gan hoặc ung thư gan.
No comments:
Post a Comment