Phát hiện cây thuốc chữa bệnh gan
Về đặc điểm hình thái thì đây là một loài cây gỗ nhỏ, dạng dây trườn, vỏ màu nâu vàng, thân dài trên 4 m, đường kính khoảng 10 cm. Thân và cành có nhiều gai nhọn, dài đến 7 - 8 cm. Lá đơn, mọc cách hay chụm ba, phiến dày, mép cong xuống dưới, có hình thuôn hẹp, dài 8 - 12 cm, rộng 1 - 3 cm. Lá mọc ở gần gốc có phiến kích thước lớn hơn so với lá ở đoạn trên thân và cành, đầu lá tù hoặc hơi lõm. Phiến lá có mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, bên trong có nhiều điểm dầu. Cuống lá ngắn 4 - 6 mm. Gỗ hơi cứng có màu vàng, đối với phần rễ có màu vàng đậm hơn. Các bộ phận của cây có tinh dầu, nhiều nhất ở rễ có mùi thơm dịu rất đặc trưng.
Về mặt sinh thái, loại cây này ở Hòn Hèo được ghi nhận phân bố ở vùng núi đá, cao độ khoảng trên 200 m, nơi đây có khí hậu khô cằn, lớp đất mặt mỏng. Thảm thực vật chủ yếu gồm cây bụi và dây leo: keo dậu, gai quýt, chùm hôi, nhãn rừng, trắc dây... Nhìn chung, cây phân bố tương đối rộng trong khu vực, có khả năng tái sinh tự nhiên bằng chồi. Tuy nhiên, do bị khai thác rất mạnh trong thời gian gần đây (hàng ngày có đến vài chục người vào rừng tìm chặt) nên có thể sẽ bị tận diệt.
Về mặt phân loại, loài cây này thuộc họ Cam (Rutaceae). Do chưa thu hái được hoa, trái nên có khó khăn trong việc xác định tên chi và loài. Tuy nhiên, qua đối chiếu mẫu thu được cho thấy thể hiện các đặc điểm của loài trang xa một lá (tên khoa học là Luvunga monophylla (DC.) Mabb.). Ở Việt Nam, loài này còn được GS. Phạm Hoàng Hộ (“Cây cỏ Việt Nam”, 1999) gọi là xáo tam phân (có tên khoa học đồng danh là Paramignya trimera (Oliver) Burkill). Theo GS. Phạm Hoàng Hộ thì cây này trước đây được tìm thấy ở núi Lấp Vò, Bình Dương.
Theo các tài liệu về cây thuốc của Việt Nam (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, 1981) và các nước xung quanh (Medicinal & Useful Plants) thì giá trị dược liệu của loài cây này chưa thấy đề cập. Do đó, cần được các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu kỹ về dược tính.
No comments:
Post a Comment