11/27/2012

Công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư bạch cầu

Công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư bạch cầu


Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle, đã tìm được cách khắc phục một trong những rào cản chính về mặt kỹ thuật trong quá trình cấy ghép mẫu máu dây rốn đó là nhân nuôi làm tăng số lượng các tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn trước khi cấy ghép cho bệnh nhân. Phát hiện này đã giúp cho việc cấy ghép tế bào gốc máu dây rốn trong điều trị bệnh ung thư bạch cầu (leukemia) và các loại bệnh ung thư máu khác ngày càng trở nên có triển vọng hơn.
Trong một nghiên cứu công bố trên ấn phẩm ngày 17 tháng 11 năm 2010 của tạp chí danh tiếng Nature Medicine, Bác sĩ Colleen Delaney và các cộng sự đã mô tả ứng dụng lần đầu tiên của một phương pháp làm gia tăng đáng kể số lượng tế bào gốc trong 1 đơn vị máu dây rốn trong phòng thí nghiệm, và sau đó khi được truyền cho bệnh nhân đã cho thấy khả năng mọc mảnh ghép rất nhanh chóng và thành công.

Số lượng ít của tế bào gốc trong các mẫu máu dây rốn (chỉ bằng khoảng 1/ 10 số lượng mà một bệnh nhân nhận được trong một ca ghép truyền thống với việc sử dụng tế bào gốc lấy từ tuỷ xương hay máu ngoại vi của người lớn) vẫn đang là 1 nguyên nhân khiến cho các ca ghép tế bào gốc máu dây rốn thường có thời gian mọc mảnh ghép chậm hơn so với các ca ghép theo phương pháp truyền thống. Thời gian chờ mọc mảnh ghép càng lâu, thì nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn trầm trọng càng cao bởi vì bệnh nhân trong thời gian này thực tế là đã không còn các tế bào bạch cầu để tự bảo vệ cho mình.
Bất chấp những bất lợi về số lượng, máu dây rốn vẫn là một nguồn tế bào gốc đầy hứa hẹn trong cấy ghép tế bào gốc để thay thế cho hệ thống miễn dịch và máu bị tổn thương, nhờ vào việc các tế bào hiến tặng không cần thiết phải hòa hợp tuyệt đối với người bệnh. Thiếu một mẫu ghép thích hợp chính là lý do tại sao khoảng 30% số bệnh nhân cần cấy ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh ung thư như leukemia không thể tìm được người hiến tặng phù hợp. Đối với những bệnh nhân thuộc các dân tộc thiểu số, tỷ lệ không thể tìm được người hiến tặng phù hợp lên đến 95%.
Việc sử dụng các tế bào máu dây rốn đã được nhân lên có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm, vì vậy thành công sẽ cao hơn ở các bệnh nhân được cấy ghép máu dây rốn không có các tế bào được nhân lên. Các tác giả cho rằng cần tiến hành những bước tiếp theo về thử nghiệm lâm sàng, và đưa vào các cải tiến kỹ thuật để có thể khẳng định tính hiệu quả của việc cấy ghép máu dây rốn với các tế bào được nhân lên này.
Delaney, thành viên phụ tá trong Bộ môn Nghiên cứu lâm sàng của Trung tâm Hutchinson và đồng thời là giáo sư trợ giảng của Khoa Nhi Trường Y Đại học Washington, cho biết: “Điểm thật sự chấn động của nghiên cứu này là ở chỗ chúng tôi đã chỉ ra rằng trong phòng thí nghiệm, bạn hoàn toàn có thể điều khiển các tế bào gốc theo hướng gia tăng số lượng của chúng. Khi đưa vào cơ thể của một người nào đó, các tế bào này có thể nhanh chóng tạo nên các bạch cầu và các cấu thành khác trong hệ thống tạo máu”.
Sự nhân lên tế bào có thể thực hiện bằng cách kích hoạt đường truyền tín hiệu Notch (Notch signaling pathway) trong các tế bào gốc. Phát hiện này được công bố bởi bác sĩ Irwin Bernstein, thành viên của Bộ môn Nghiên cứu lâm sàng thuộc Trung tâm Hutchinson, và đã được đăng trên tạp chí Nature Medicine năm 2000. Công trình nghiên cứu suốt 10 năm cho tới nay đã dẫn đến sự chuyển giao thành công các thí nghiệm từ trong phòng thí nghiệm cho đến các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân.
Bác sĩ Delaney và các cộng sự đã dựa trên công trình trước đó của Bernstein, tạo ra 1 protein có thể được sử dụng trong phòng thí nghiệm để kích hoạt đường truyền tín hiệu Notch trong tế bào gốc và từ đó “ra lệnh” cho các tế bào đang nuôi cấy phải gia tăng về số lượng.
Phương pháp này đã thành công trong việc gia tăng số lượng tế bào gốc trong 1 đơn vị máu dây rốn lên hơn 164 lần đối với các tế bào CD34+, là 1 loại tế bào gốc tạo máu. Đây là các tế bào gốc tạo máu toàn năng có khả năng tạo ra tất cả các loại tế bào máu trong cơ thể. Bác sĩ Delaney cho biết thông thường dùng 1 đơn vị máu dây rốn để cấy ghép thì liều lượng tế bào ghép vào chưa tới 200,000 tế bào gốc/kg trọng lượng cơ thể người nhận. Ngược lại, các đơn vị tế bào gốc máu dây rốn sau khi được nhân lên thì liều lượng tế bào khi ghép lên tới khoảng 6 triệu tế bào CD34+/kg trọng lượng cơ thể, bằng với khi sử dụng các nguồn cấy ghép truyền thống khác.
Nghiên cứu này cũng mô tả kết quả giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng của 10 bệnh nhân đã được ghép 2 đơn vị máu dây rốn để điều trị bệnh leukemia cấp tính. Mỗi bệnh nhân được nhận 1 đơn vị máu dây rốn không điều chỉnh gì và 1 đơn vị trong đó các tế bào đã được kích hoạt nhân lên trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu đánh giá các chỉ tiêu về độ an toàn của việc truyền các tế bào được nhân lên, cũng như thời gian chúng có thể tái tạo lại được hệ thống các tế bào máu, đánh giá tính ổn định của mảnh ghép và đơn vị máu dây rốn nào trong 2 mẫu trên cho kết quả tốt nhất trên mảnh ghép. Độ tuổi của các bệnh nhân tham gia thử nghiệm là từ 3 tới 43 tuổi.
Các kết quả cho tới giờ cho thấy trung bình mất khoảng 14 ngày cho các tế bào cấy vào bắt đầu mọc mảnh ghép, so sánh với thời gian khoảng 4 tuần khi sử dụng các đơn vị máu dây rốn không được nhân lên. Có 7 trong tổng số 10 bệnh nhân vẫn còn sống, không có dấu hiệu gì của leukemia và vẫn duy trì được mảnh ghép. Các thử nghiệm cho thấy sự hồi phục của bạch cầu sớm sau khi cấy hầu hết là bắt nguồn từ đơn vị máu dây rốn được kích hoạt nhân lên.


No comments:

Post a Comment