ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Nếu bạn xét nghiệm Anti HCV dương tính nhưng định lượng vi rút thì âm tính thì bạn không có chỉ định dieu tri viem gan c. Tuy nhiên vẫn theo dõi định kỳ là đúng. Bạn vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Vào năm 2007, tôi đã điều trị HCV type 2b. Suốt 1 năm điều trị thì có kết quả âm tính 4 lần (mỗi lẫn thử máu là 3 tháng). Sau 1 năm chua benh viem gan c thì tôi đã hết bệnh (không cần phải điều trị nữa. Tôi đã dùng thuốc chích cách 1 ngày (khoảng 185 liều). Thuốc có tên là Eferon do Pakistan sản xuất. Có những bệnh nhân điều trị thuốc loại này sau 1 năm thì bị lủng gan.
Xin hỏi:
1. Thuốc này có dụng phụ sau này không. Nếu cò thì là tác dụng phụ gì? Phương hướng khắc phụ hay điều trị tác dụng phụ như thế nào.
2. Lây lan qua đường tình dục theo tỉ lệ bao nhiêu %. Có cần phải luôn luôn 100% sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không?
3. Tỷ lệ tái lại bao nhiêu phần trăm, trường hợp nào thì tái lại cao nhất, nhì, ba...
4. Tôi phát hiện bệnh trước khi có con, 2 đứa con tôi đều có thử HCV ở viện Pastuer nhưng đều âm tính được một vài lần rồi. Không biết các con tôi có nguy cơn mắc bệnh như thê nào? Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. - Lê Hoàng Ân(28/5x2 Phạm Văn Chiêu, F.14 Gò Vấp, TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Bạn bị viêm gan kiểu gen 2B thông thường thời gian điều trị là 6 tháng, nếu đã ngừng chích 6 tháng mà không tái phát thì có thể đã lành với xác xuất là 99%.
Thuốc Eferon không gây lủng gan, tác dụng phụ lúc tiêm thuốc này phổ biến nhất là dấu hiệu giả cảm cúm, có thể uống paracetamol liều thấp nếu cần (cần có hướng dẫn của bác sĩ).
Viêm gan siêu vi c có thể lây lan qua đường tình dục, cho nên việc sử dụng bao cao su là đảm bảo an toàn.
Nếu con bạn đã đi xét nghiệm mà kết luận là không bị nhiễm thì bạn có thể an tâm, trừ trường hợp con bạn bị nhiễm mới.
Tại đơn vị tôi làm việc, có người đã bị bệnh viêm gan siêu vi C, như vậy khi ăn hoặc uống chung vật dụng có bị lây không? Bệnh viêm gan siêu vi C có thuốc ngừa không? tại đâu? và giá là bao nhiêu? Cám ơn rất nhiều. - Phạm Thế Hùng(Phú Hữu, Q9, TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Viêm gan C không lây qua những đường tiếp xúc cũng như qua ăn uống. Những dụng cụ có thể nhiễm máu như: bàn chải đánh răng, lược, dao cạo râu bị dính máu,... thì có thể bị lây nhiễm.
Bệnh viêm gan C chưa có thuốc chủng ngừa.
Em và chồng bị nhiễm bệnh viêm gan C từ năm 2005 đến nay (em và chồng sinh năm 1983). Em có con tháng 01.2012, em mới xét nghiệm viêm gan C, bé bị nhiễm khi đuợc 6 tháng, cho em hỏi nơi nào điều trị cho bé, khi nào bé hết virut C, em hoàn toàn không cho bé bú mẹ từ khi mới sinh do bệnh viện Từ dũ bảo thế, làm ơn giúp em. - bao sang (tanphu)
GS Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch Hội Gan Mật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Gan Mật VN, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Gan Mật châu Á - Thái Bình Dương: Kháng thể chống HCV có thể từ mẹ truyền sang con mà con không bị nhiễm. Vì vậy, nếu kết quả anti-HCV của bé lúc 6 tháng mà dương tính chưa khẳng định được cháu có bị nhiễm hay không. Nên thử lại sau 2 năm.
Chú tôi đi xét nghiệm bị viêm gan c, như vậy thím tôi mang thai lúc chú tôi bị viêm gan c, thì có bị mắc bệnh viêm gan c không, và cháu tôi đã sinh ra đời rồi, nay 3 tuổi có bị viêm gan c không? - Huỳnh Lan(138/23 Lũy Bán Bích, Tân Phú)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Viêm gan C có lây theo đường tình dục vì vậy chồng hoặc vợ bị nhiễm nên phòng lây lan cho nhau. Mẹ bị nhiễm viêm gan C tỷ lệ lây từ mẹ sang con cũng thấp (chỉ khoảng 5%). Nên để cháu bé sau 2 tuổi thì mới xét nghiệm.
TRIỆU CHỨNG - XÉT NGHIỆM
Làm thế nào để biết đang mắc bệnh viêm gan siêu vi C: triệu chứng, xét nghiệm máu? - Mai Anh(Gò Vấp)
GS Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch Hội Gan Mật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Gan Mật VN, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Gan Mật châu Á - Thái Bình Dương: Sau khi một người bị nhiễm vi rút cấp tính viêm gan siêu vi C, nếu vi rút ở lại trong cơ thể quá 6 tháng thì sẽ trở thành nhiễm viêm gan siêu vi C mãn tính. Đặc điểm là 80% người nhiễm không có triệu chứng điển hình của viêm gan nên họ sẽ không biết mình bị nhiễm lúc nào.
Chính vì triệu chứng nghèo nàn và không điển hình, nên người ta không biết là đã bị nhiễm viêm gan siêu vi C lúc nào. Bởi vậy, chỉ có thể xét nghiệm mới biết được.
Tóm lại, trong phần lớn bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C trong giai đoạn sớm thì phải dựa vào xét nghiệm mới chẩn đoán được.
Xin BS cho biết làm thế nào biết mình bị nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B? Người bị nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B có những biểu hiện và triệu chứng gì, ngăn ngừa viêm gan siêu vi B bằng cách nào? Xin cảm ơn! - Ngô Quang Trấn (An Giang)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Đối với vi rút viêm gan B chỉ có xét nghiệm mới có chẩn đoán chắc chắn được. Ngăn ngừa nhiễm vi rút viêm gan B thì biện pháp tốt nhất là chủng ngừa.
Xin bác sĩ cho biết, tôi thường bị đau bụng về sáng khoảng 4, 5 giờ sáng, sau đó tôi tỉnh dậy đi cầu xong là hết bệnh. Vậy đây là triệu chứng của bệnh gì? Mong bác sĩ tư vấn, xin cám ơn! - Đoàn Thành Diên (Đắk Lắk)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Triệu chứng như bạn mô tả không liên quan đến gan, bạn nên đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa.
Con trai tôi năm nay 26 tuổi, cháu khỏe mạnh bình thường, hàng ngày vẫn chơi thể thao bóng đá. Mấy tháng trước khi xét nghiệm để hiến máu tình nguyện, kết quả cháu được xác địch siêu vi C. Tôi đã đưa cháu đến bệnh viện Chợ Rẫy và nơi đây xét nghiệm cho biết chỉ số cháu vượt ngưỡng 0,4. Vậy có nguy hiểm gì không và xin bác sĩ vui lòng hướng dẫn hoặc tư vấn nơi điều trị. Có thể uống thuốc nam được không, rất cảm ơn. - nguyễn quang(153 Nguyễn Trung Trực phường 2 TP Sóc Trăng)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Viêm gan C ở giai đoạn sớm thì sức khỏe vẫn bình thường, chỉ có thể xét nghiệm mới biết được, cần nên kiểm tra định kỳ để biết diễn biến bệnh ra sao.
Cách đây 7 năm em có hiến máu nhân đạo qua kiểm tra phát hiện trong máu có vi rút siêu vi C, sau đó em có đi xét nghiệm lại ở một vài bệnh viện khác đều xác định như vậy, nhưng bác sĩ nói là men gan còn bình thường nên không cần phải điều trị, nhưng sau đó em có uống thuốc nam (cây màng ri và cây chó đẻ) được 2 - 3 tháng cho đến nay thì nghỉ uống. Và kết quả kiểm tra gần đây thì chỉ số: (SGOT = 44; SGPT = 57) vậy xin hỏi BS em có cần phải điều trị hay kiêng cử trong chế độ ăn uống thế nào, rất mong BS chỉ dẫn em xin chân thành cám ơn. - nguyễn thị phương loan(18 lô O, kp3, P.An Lạc. Q.Binh Tân, TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Tôi chưa thấy có thuốc nam nào có thể tiêu diệt được vi rút viêm gan C này, và chỉ số men gan của bạn như vậy là hơi cao. Cần đến khám tại một bệnh viện chuyên về gan để theo dõi sức khỏe của mình.
Biểu hiện của bệnh viêm gan siêu vi C, hiện nay tôi có triệu chứng mệt mỏi, đói bụng hay buồn nôn, người gầy, ăn không ngon, hay bị nhiệt. Quý bác sĩ có thể cho tôi biết đó là biểu hiện của triệu chứng gì? - Lê Thị Hằng (Khu phố Bình Thung I - P. Bình An - Dĩ An - Bình Dương)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Đó không phải là những biểu hiện điển hình của bệnh viêm gan, muốn biết có viêm gan hay không cần phải đi xét nghiệm.
Những triệu chứng bạn mô tả có thể là do biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau.
Gần đây tôi có biểu hiện như hay đau ở vùng bên trái, quanh vùng rốn. Liệu đó có phải là biểu hiện của bệnh Gan? Mong các chuyên gia giúp đỡ. Xin cảm ơn! - Hoàng Nam Khánh(463/12 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Gan chủ yếu nằm ở bên phải, cho nên bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám và chẩn bệnh chính xác.
Xin bác sĩ cho biết triệu chứng và phải xét nghiệm như thế nào để biết được có nhiễm HCV? Tôi nghe nói là bệnh này chỉ lây qua 3 đường như HIV thôi. Bao lâu mình mới thử lại? - ngoc phuong()
GS Phạm Hoàng Phiệt: Triệu chứng viêm gan siêu vi C thì không điển hình nên phải xét nghiệm, nếu bạn không có nguy cơ tiếp xúc nguồn bệnh mới thì không cần phải xét nghiệm lại.
Em tên Phương, bị ngứa dị ứng kiểu mề đay, ngứa vài giờ rồi lặng (ngứa toàn thân). Em đi khám bác sĩ bảo men gan cao mà uống thuốc theo bác sĩ kê đơn không bớt ngứa. Tiếp tục đến bác sĩ xét nghiệm thì men gan vẫn cao. em có phải bệnh gan nguy hiểm hay không và phải điều trị như thế nào cho khỏi bệnh. - Phương(Bình Định)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Ngừa mề đay không phải là triệu chứng của bệnh gan. Men gan cao là một trong những biểu hiện của bệnh gan, nên khám chuyên khoa để biết nguyên nhân chính xác là gì.
Cách đây khoảng 3 tháng tôi có đi xét định lượng viêm gan B, C tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, kết quả định lượng cho thấy tôi bị nhiễm viêm gan siêu vi C(344coppies/100coppies). Sau đó khoảng 1 tháng tôi có định lượng lại lần 2 tại Trung tâm Á Châu TP.HCM, kết quả không phát hiện mẫu bệnh viêm gan siêu vi C (ngưỡng phát hiện của máy đo là 300 coppies). Xin hỏi, như vậy tôi có bị nhiễm viên gan C không? Nếu có thì điều trị thế nào? Thời gian và chi phí ra sao? Xin cảm ơn. - Minh Thành (TP.HCM)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Theo như tình trạng của bạn mỗi 3 tháng bạn nên đến cơ sở y tế lớn có phòng xét nghiệm đáng tin cậy xét nghiệm chức năng gan, định lượng siêu vi, siêu âm gan. Nếu có tình trạng tổn thương gan và vi rút hoạt động thì bạn có chỉ định điều trị thuốc kháng siêu vi.
ĐIỀU TRỊ
Trẻ em bị viêm gan siêu vi C khi nào thì nên điều trị? Thuoc tri viem gan c cho trẻ em và hiệu quả điều trị như thế nào? - Ngọc Ma (12 Thống Nhất, Gò Vấp; TP.HCM)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Hiện nay thuốc điều trị viêm gan C cho trẻ em được công nhận là Intenferon alfa-2b. Tuy nhiên giá thành đắt, hiệu quả không được cao và nhiều tác dụng phụ. Do đó, trẻ em bị nhiễm HCV nên theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng, nếu có hiện tượng viêm gan phát triển nặng và lượng vi rút tăng cao mới nên xem xét điều trị.
Với thời gian điều trị khá dài (6 - 12 tháng), các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cũng như là tăng tỷ lệ thành công của điều trị viêm gan siêu vi C? - Linh Đan(5 Thành Thái, Q.10)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Thời gian điều trị viêm gan C theo công thức chuẩn là khác nhau tùy theo kiểu gen mà bệnh nhân mắc phải. Với kiểu gen 1 là 12 tháng; kiểu gen 02 là trong 6 tháng. Tuy nhiên, quá trình điều trị này sẽ tùy theo thể trạng của bệnh nhân.
Bệnh viêm gan siêu vi C có chữa khỏi hoàn toàn không? - Anh Tuấn(63 Phạm Văn Hai)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Viêm gan siêu vi C hiện tại không có thuốc ngừa nhưng may mắn có thuốc điều trị. Hiện tại phác đồ điều trị được công nhận là Peginterferon alfa kết hợp Ribavirin cho hiệu quả điều trị cao. Một số trường hợp đạt được hiệu quả khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên giá thành tương đối cao và bệnh nhân phải chịu đựng một số tác dụng phụ.
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Viêm gan siêu vi C hiện tại không có thuốc ngừa nhưng may mắn có thuốc điều trị. Hiện tại phác đồ điều trị được công nhận là Peginterferon alfa kết hợp Ribavirin cho hiệu quả điều trị cao. Một số trường hợp đạt được hiệu quả khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên giá thành tương đối cao và bệnh nhân phải chịu đựng một số tác dụng phụ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cũng như là thành công của điều trị viêm gan siêu vi C? - Đan Hạ(Hà Nội)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Có 3 nhóm yếu tố.
1. Yếu tố về siêu vi:
- Trong đó có kiểu gen siêu vi, loại dễ chữa (kiểu 2) và khó chữa (kiểu 1).
- Số lượng siêu vi, trước khi điều trị càng nhiều siêu vi càng khó chữa. Thường con số này là 2 triệu bản sao/ml.
2. Nhóm yếu tố trên người bệnh:
- Sắc tộc: người châu Phi thì kết quả kém, người châu Á kết quả tốt hơn... phân bố theo kiểu gen IL 28B của từng cá thể.
- Tuổi: trên 40 thì kém hiệu quả.
- Tình trạng xơ gan: nếu đã xơ gan nhiều thì sẽ có kết quả yếu kém.
- Trên người bệnh: có những bệnh sẵn có trên người như tiểu đường, béo phì, rối loạn tiêu hóa, đồng nhiễm với HIV...
3. Nhóm yếu tố môi trường sống xung quanh: uống nhiều rượu bia, thuốc lá...
Tác dụng phụ của thuốc thường gặp khi chua benh viem gan c? Làm gì để hạn chế hay xử trí những trường hợp này? - Nguyễn Hoàng Thuận(Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP.HCM)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Khi điều trị viêm gan C với thuốc đặc trị bệnh nhân phải chịu đựng một số tác dụng phụ.
1. Tác dụng phụ thông thường: Triệu chứng giống cảm cúm, sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp mệt mỏi, chán ăn buồn nôn, khó tiêu tùy trường hợp BS sẽ cho thuốc để làm giảm triệu chứng.
2. Một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn: Nóng nảy, lo lắng, khó ngủ hay mất ngủ hoàn toàn, trầm cảm, rất hiếm trường hợp bệnh nhân có ý định tự tử. Trong những trường hợp này bệnh nhân rất cần sự quan tâm và động viên của gia đình và thầy thuốc. Bệnh nhân có thể được tư vấn BS tâm thần.
3. Một số tác dụng phụ ở cơ quan khác: Nổi mẫn da, ngứa, khó thở, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý về khớp, bệnh lý tự miễn...
4. Những thay đổi về máu: Giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Tùy mức độ BS sẽ điều chỉnh liều hay dùng thuốc.
Xin cho hỏi, tôi đã điều trị viêm gan C theo phác đồ mỗi tuần chích 1 mũi Penano và thuốc uống Barivir 500, sau 6 tháng xét nghiệm lại thì số lượng virut không giảm nên bác sĩ bảo tôi ngừng điều trị. Cho tôi hỏi hiện nay đã có thuốc mới cho trường hợp của tôi chưa? Còn nếu chưa có phác đồ điều trị mới thig tôi cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe? Xin chân thành cảm ơn! (xét nghiệm máu của tôi HCV gennotype 1,il28b rs1297860 dnh genotype la TC. Còn các kết quả men gan, công thức máu, siêu âm bình thường, Fibroscan KPa 8,8). Hiện tại sức khỏe bình thường. - Trinh long(138 ap an thuan tp ben tre)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì công thức điều trị chuẩn là Peginterferon-alpha và Ribavirin. Nếu sau 6 tháng mà vẫn còn vi rút thì có tiêm nữa cũng không đáp ứng.
Còn thuốc mới hiện nay thêm vào công thức chuẩn này chỉ mới lưu hành ở Mỹ và châu Âu.
Điều trị bệnh viêm gan siêu vi C như thế nào? Hiệu quả đáp ứng với điều trị? - Trần Thanh Hải (Quảng Nam)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Hiện nay phác đồ điều trị viêm gan C mãn tính được công nhận Peginterferon - alfa 2a hoặc 2b kết hợp Ribavirin. Hiệu quả điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân cụ thể.
Ví dụ, nếu bệnh nhân có HCV Genotype 1 thì hiệu quả điều trị khoảng 50 - 60%. Nếu bệnh nhân có HCV Genotype 2, 3 hiệu quả điều trị khoảng 90%. Nếu bệnh nhân có HCV Genotype 6 hiệu quả điều trị khoảng 65 - 80%.
Hiện nay trên thế giới có 2 loại thuốc mới Telaprevir và Boceprevir được kết hợp Peginterferon - alfa 2a hoặc 2b kết hợp Ribavirin làm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HCV Genotype 1 đến 90%. Tuy nhiên thuốc nay hiện chưa có ở thị trường Việt Nam.
Xin hỏi, hiện nay tôi nghe nói đã có thuốc chữa hết viêm gan C, xin cho biết tên thuốc. Trước đây tôi từng điều trị bằng Pegasys và Ribazole, nhưng sau đó bị tái phát. Nếu tôi dùng thuốc mới này nữa khả năng thành công không? Có hiện tượng nhầm nhầm thuốc không? - anhnguyen()
GS Phạm Hoàng Phiệt: Hiện nay đã có thuốc chữa viêm gan C và theo công thức chuẩn là Peginterferon và Ribavirin với nhiều tên gọi khác nhau của các hãng. Một loại thuốc mới chống vi rút trực tiếp mới chỉ có ở Mỹ và châu Âu.
Tôi bị viêm gan siêu vi c đã điều trị năm 2008, sau một năm điều trị xét nghiệm âm tính tiếp đó cứ sáu tháng tôi xét nghiệm 1 lần và lần xét nghiệm gần nhất là ngày 12.3.2012 cũng có kết quả âm tính. Vậy xin hỏi tôi có bị tái phát không. Xin cám ơn! - Trần thị thùy (35/2 Nguyễn thượng Hiền, Q.BT)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Nếu bạn đã chấm dứt điều trị đến nay là 4 năm mà vẫn không phát hiện siêu vi C thì xem như bạn đã khỏi bệnh. Tuy nhiên viêm gan C chưa có thuốc ngừa nên nếu bạn có tiếp xúc với nguồn bệnh thì bạn vẫn có thể bị lây bệnh và bệnh trở lại.
Chào GS Phiệt và bác sĩ Thủy, tôi bị mắc bệnh gan từ nhiều năm nay, nguyên nhân do rượu, hiện nay tế bào gan bị thô, nước da tái vàng, xanh, mắt vàng kiểm tra men gan không tăng, ăn, ngủ được. Tôi đã uống rất nhiều các loại thuốc nam (có những lúc vừa uống thuốc, vùa uống rượu). Xin GS, BS cho biết tôi cần phải làm gì, dùng loại thuốc nào để chữa trị căn bệnh này. Xin cảm ơn! - nguyễnvantruong(HaGiang)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Lời khuyên trước tiên là anh nên bỏ hẳn rượu bia và đến BS chuyên khoa gan khám và điều trị tích cực.
Hiện nay da anh đã vàng và tái xanh mà còn uống rượu và uống thuốc nam thì diễn biến bệnh đến xơ gan là rất nhanh.
Mong anh nên nghe theo lời khuyên của BS thì mới bảo vệ được lá gan của mình.
Cho hỏi: Thuốc Profetal (Alpha fetoprotein) đã có trên thị trường chưa? Nếu có thì mua ở đâu? Xin cảm ơn! - Phan Thanh Hồng(TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Thuốc Profetal này tôi chưa thấy được công bố trên tạp chí y tế thế giới uy tín nào, và cũng chưa lưu hành tại Việt Nam. Có lẽ cần chờ thêm những thông tin chính xác hơn.
Kính gửi giáo sư Hoàng Phiệt, Mẹ cháu năm nay 62 tuổi, phát hiện và điều trị bệnh HCV đã được 6 năm tại BV ĐH Y Dược TP.HCM. Trong thời gian đó, mẹ cháu chỉ điều trị với duy nhất với 1 bác sĩ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì bác sĩ chỉ cho mẹ cháu chích mũi duy trì 3 mũi/tuần (thuốc sản xuất tại VN) và 3 tháng mới tái khám 1 lần. Bác cho cháu hỏi:
- Sử dụng điều trị 1 loại thuốc trong thời gian dài như vậy thì có gây ra tình trạng lờn thuốc hay không?
- Gần đây cháu có biết thông tin thuốc đặc trị HCV do Nga sản xuất có tác dụng chữa trị tận góc căn bệnh HCV (Loại thuốc mới có tên Profetal do các nhà khoa học Nga phát triển có thành phần chính là chất alpha-fetoprotein có trong cơ thể người. Điểm đặc biệt của alpha-fetoprotein là nó xâm nhập vào bên trong các tế bào nơi vi rút trú ẩn và kéo chúng vào máu. Sau đó, các loại thuốc kháng vi rút sẽ thực hiện phần việc còn lại, phá hủy hoàn toàn các tác nhân gây bệnh viêm gan C. Kết quả là các bệnh nhân mắc căn bệnh này có thể được chữa khỏi chỉ trong vòng 1 tháng). Bác cho cháu biết thuốc này có bán tại Việt Nam chưa? Hiệu quả điều trị như thế nào? - HUỲNH THANH LONG()
GS Phạm Hoàng Phiệt: Các điều trị duy trì như vậy cũng có tác dụng trên một số người, nếu thấy có cải thiện thì có thể tiếp tục.
Thuốc Profetal vẫn chưa có ở Việt Nam, và chưa được các tạp chí y học quốc tế uy tín trích dẫn.
Tôi đi xét nghiệm nói bị nhiễm Viêm gan C.Tôi đã uống thuốc điều trị đuợc gần 2 năm nay rồi! Hai tháng đi xét nghiệm 1 lần, bác sĩ nói men gan da ha? Vậy xin hỏi men gan ảnh hưởng như thế nào trong bệnh gan. Khi nào thì bệnh nhân nên dùng thuốc chích? Bệnh này có thể chữa hết không và tôi nên đi điều trị ở đâu là tốt nhất? Hiện tại tôi đang điều trị tại Trung tâm Medic Hòa Hảo! - tien(166 duong 10 p4 Q8)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Bạn bị viêm gan siêu vi C nên khám và điều trị tại khoa gan các trung tâm y khoa và bệnh viện là đúng.
Nếu HCV RNA dương tính điếm có siêu vi men gan tăng, hay có tổn thương tế bào gan bằng sinh thiết gan, hay là FibroScan thì bạn có chỉ định dùng thuốc đặc trị kháng siêu vi C.
Bệnh viêm gan siêu vi C có thể chữa khỏi khi dùng thuốc đặc trị. Nếu bạn có khả năng về kinh tế nên dùng thuốc đặc trị. Nếu bạn chưa có khả năng kinh tế thì bạn có thể điều trị bảo tồn theo hướng dẫn của BS.
Tôi bị phát hiện nhiễm siêu vi C từ 2004 và điều trị bằng các loại thuốc thông thường nhưng qua 6 lầm kiểm tra định kỳ, kết quả về định lượng đều dưới ngưỡng phát hiện và định tính là âm tính. Các chức năng khác đều trong giới hạn cho phép và sức khỏe nói chung là tốt. Xin hỏi tình trạng bệnh của tôi hiện nay như thế nào và đã khỏi hẳn chưa? Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều. - Đào Viết Quý (số nhà 293, QL 61 tỉnh Kiên Giang)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Theo tình trạng bạn chức năng gan bình thường số lượng vi rút không điếm được thì bạn không có chỉ định điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Hiện tại bạn nên theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng.
Kính gửi GS Phạm Hoàng Phiệt bác cho cháu hỏi cháu đang bệnh viêm gan siêu vi C và hiện tại cháu điều trị là chích thuốc. Bác cho cháu hỏi chích thuốc giảm được bao nhiêu phần trăm và nó có tác dụng phụ gì không, thành thật cám ơn bác! - Hồ Văn Dũ (150/21 huỳnh văn bánh, p12, q.pn)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Khi điều trị viêm gan C theo công thức chuẩn (vừa chích + uống thuốc) thì có thể chữa khỏi được khoảng 50 - 60% (xác suất trên 100 người điều trị).
Theo kết quả xét nghiệm lần đầu tại viện Pasteur thì tôi bị viêm gan siêu vi B và C. Tuy nhiên sau 6 tháng tôi đã đi xét nghiệm lại và test định lượng vi rút thì kết quả số lượng vi rút không tăng so với kết quả test lần đầu. Bác sĩ tư vấn tại viện Pasteur cho biết do chưa thấy số lượng vi rút gia tăng nên chưa cần điều trị. Vậy xin các bác sĩ cho tôi hỏi có cách nào điều trị sớm và có thể dứt bệnh được không?
(Thời gian tôi đi test định lượng vi rút lần 2 cách đây cũng khá lâu, từ đó đến nay tôi chưa đi kiểm tra lại do đã làm mất phiếu kết quả các lần trước nên không có số liệu để so sánh). Xin cảm ơn sự tư vấn của các bác sĩ! - Trần Đức(Tân Bình, TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Nếu bạn thử mà có nhiễm đồng thời C và B thì khả năng gây tổn thương gan lớn hơn là chỉ bị một loại, vì vậy bạn nhất thiết phải theo dõi định kỳ ở các cơ sở chuyên khoa về gan.
Điều trị viêm gan C có thể khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị viêm gan B chỉ có thể khống chế và hạn chế các biến chứng của nó (tỷ lệ khỏi hoàn toàn là rất thấp).
Có thể dùng thuốc cortisteroiod trị bệnh đau nửa đầu được không? - lam quoc hung()
- GS Phạm Hoàng Phiệt: Trong khi bị nhiễm vi rút viêm gan B và C mà nếu dùng cortisteroiod thì có thể làm bệnh gan bùng phát, nên phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.
Tôi bị viêm gan siêu vi B. Hiện nay tôi đang sử dụng cây chó đẻ để nấu nước uống. Xin bác sĩ cho biết, uống nước cây chó đẻ có giảm được bệnh không? - Phùng Khắc Hưng(Thuận An - Bình Dương )
GS Phạm Hoàng Phiệt: Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì việc dùng lâu dài cây chó đẻ để điều trị viêm gan B không mang lại kết quả rõ rệt.
Em kiểm tra tại Hòa Hảo và bị phát hiện viêm gan siêu vi B, em đã điều trị và uống thuốc theo đơn của bác sĩ 9 tháng nay nhưng chưa thấy kết quả rõ ràng, hỏi bác sĩ cũng chỉ bảo cứ uống thuốc, em hoang mang và lo lắng không biết bệnh tình của mình thế nào? Hãy cho em lời khuyên? Có người bảo uống thuốc bắc, có người bảo uống thuốc tây? Rồi có người bảo không việc gì? Em không biết thế nào? - vũ huy huấn()
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Viêm gan vi rút B mãn tính là bệnh phải điều trị liên tục và lâu dài. Bệnh nhân phải kiên nhẫn và tuân thủ điều trị thì mới đạt được hiệu quả tốt. Thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân.
Theo tình hình của em tôi nghĩ rằng em có đáp ứng với điều trị tốt em nên tiếp tục điều trị theo BS không nên dùng thuốc nam thuốc bắc để uống vì những thuốc này chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể.
Mình có người thân vừa đi khám bệnh và được biết là mắc bệnh viêm gan C, tuýp 2. Cho mình hỏi bệnh này có nguy hiểm không? có lây lan không? nguyên nhân, hậu quả, cách phòng ngừa và nhận biết bệnh như thế nào? Chân thành cám ơn. - Ngô Phưong(522/24C Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, Nhà Bè)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Nếu bị viêm gan C gen 2 là loại dễ chữa, với công thức chuẩn hiện nay thì có thể chữa lành khoảng 80%. Bạn nên đưa người thân đến cơ sở chuyên khoa để xem cần phải điều trị chưa.
Mẹ tôi xét nghiệm chức năng gan có nhiễm siêu vi C, định lượng 1,48 x 10^6, men gan vẫn trong giới hạn bình thường, siêu âm gan không có phát hiện sơ hóa, vậy mẹ tôi có cần điều trị không? Hiện tại mẹ tôi được 63 tuổi, nặng 42 kg.Tôi nghe nói sử dụng inteferon để điều trị có tác dụng phụ rất nguy hiểm và sẽ gây hiện tượng sụt cân, rụng tóc, gây cảm giác khó chịu dễ dẫn đến tự tử. Nhờ bác sĩ giúp dùm. - Võ Ngọc Trí(19 dãy b trần hoàng na, tp.cần thơ)
- GS Phạm Hoàng Phiệt: Bị nhiễm siêu vi viêm gan C tuổi 63 việc điều trị cần cân nhắc kỹ giữa lợi và hại điều trị. Tốt nhất là nên đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn chính xác.
Tình cờ tôi đi xét nghiệm năm 2007 phát hiện Viêm gan siêu vi C. Và tôi điều trị 1 bác sĩ có tiếng về bệnh gan, được 8 tháng thì cơ thể tôi không chịu nổi thuốc, tôi bỏ chích. 3 tháng sau tôi lại đi khám BS khác và lại chích được 4 tháng tôi lại không chịu nổi. Hiện nay tôi điều trị bằng dược thảo. XIn hỏi BS có phải tôi bị kháng thuốc không? TRẦN THỊ NGA(166/1/1aTRẦN VĂN QUANG P 10 Q TÂN BÌNH TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Có khoảng 10% bệnh nhân không chịu được thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan C nên phải ngưng giữa chừng. Những trường hợp này thì phải chuyển sang các loại thuốc bảo vệ gan để làm chậm quá trình tổn thương gan.
Tết vừa rồi bố cháu (53 tuổi) có vào Sài Gòn đi khám bệnh tổng quát ở bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Và sau khi có kết quả, bố cháu bị phát hiện nhiễm viêm gan C. Cháu search trên mạng về các thông tin xoay quanh bệnh này, thì rất mù mờ, và cụ thể là cháu đang rất hoang mang. Cháu mong được các GS-TS tư vấn về cách thức để điều trị bệnh (thuốc men/ tự nhiên), cũng như kiêng cử các loại thực phẩm nào. Cháu xin cảm ơn ban tư vấn & báo thanh niên. Thân ái, Tuấn Anh. - Võ Tuấn Anh(09 Lê Thánh Tôn, TT. Diên Khánh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hoà)
- GS Phạm Hoàng Phiệt: Không phải bất cứ ai cứ nhiễm vi rút viêm gan C là phải điều trị, với từng bệnh nhân cụ thể việc chỉ định điều trị phụ thuộc vào bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất là bạn nên theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Tôi bị nhiễm viêm gan siêu vi C do truyền máu tại bệnh viện cách đây 12 năm. Năm 2006, tôi đã điều trị một đợt 6 tháng, kết quả âm tính. Nhưng 3 tháng sau tôi xét nghiệm thì bệnh bị tái lại. Hiện tại tôi không điều trị, 3 tháng 1 lần tôi xét nghiệm thì thấy men gan cao. Gia đình tôi kinh tế khó khăn, nếu muốn điều trị thì có thể tư vấn cho tôi phương pháp nào ít tốn kém không? - Nguyễn Thị Thu Phượng(K60/26 Trưng Nữ Vương, P.Bình Hiên, Q,Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Điều trị viêm gan C có thể tái phát sau khi đã điều trị. Hiện nay nếu bạn không có điều kiện điều trị đặc hiệu cũng nên khám ở bác sĩ chuyên khoa để dùng các thuốc bảo vệ gan và theo dõi biến chứng.
Tôi bị phát hiện nhiễm siêu vi C từ 2004 và điều trị bằng các loại thuốc thông thường nhưng qua 6 lần kiểm tra định kỳ, kết quả về định lượng đều dưới ngưỡng phát hiện và dịnh tính là âm tính. Các chức năng khác đều trong giới hạn cho phép và sức khỏe nói chung là tốt. Xin hỏi tình trạng bệnh của tôi hiện nay như thế nào và đã khỏi hẳn chưa? Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều. - Đào Viết Quý(số nhà 293, QL 61 tỉnh Kiên Giang)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Nếu đã phát hiện bị nhiễm bằng xét nghiệm anti-HCV dương tính mà nhiều lần thử virus đều dưới ngưỡng phát hiện, có thể trường hợp của bạn đã tự khỏi được (xảy ra ở 20% người bị nhiễm).
Tôi phát hiện nhiễm siêu vi C tháng 12.2011 do khám sức khoẻ định kỳ; men gan tăng cao. Tôi đang điều trị tại BV Nhiệt đới TP.HCM, với các loại thuốc: FortecA, BAR, Dimeka,Capello,Livergenol, ganolat. kết quả men gan hạ GOT:68,GPT: 29,GGT: 65; tháng 7.2012 định lượng vi rút: 9.25x10^5, siêu âm chưa có gì bất thường.
Tôi xin hỏi các giáo sư, bác sĩ tôi có cần điều trị thuốc đặc trị Interferon hay không? thuốc này rất đắt tiền có được BHYT cùng chi trả hay không? Tôi có đọc báo thông tin Nga sắp sản xuất thuốc mới có tên Profetal điều trị có hiệu quả, rẻ hơn; Xin các giáo sư bác sĩ cho lời khuyên. Tôi xin trân trọng cảm ơn! - Nguyễn Quang(Lâm Đồng)
GS Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch Hội Gan Mật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Gan Mật VN, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Gan Mật châu Á - Thái Bình Dương: Các thuốc bạn đang điều trị thì có tính chất nâng đỡ gan mà không phải điều trị đặc hiệu với vi rút viêm gan C. Với kết quả men gan như bạn cho biết, cần xem xét thêm mức độ xơ hóa của gan để quyết định việc điều trị.
Hiện nay theo tôi biết BHYT chưa chi trả cho điều trị bằng thuốc Interferon. Thuốc Profetal chưa có ở Việt Nam.
Tôi bị viêm gan siêu vi C đã đều trị theo phát đồ 6 tháng, cách nay 3 tháng kiểm tra lại vẫn thấy âm tính. Hiện nay do không đủ kinh phí vì 1 tháng khoảng trên 10 triệu đồng. Bệnh tôi ở tiếp 6a, vậy có nên trị tiếp tục không khi bị đứt quãng điều trị. Có thuốc nào mới điều trị rẻ tiền không, nếu có mua ở đâu? hiệu gì. xin cám ơn . - Danh Hùng(788/38 Nguyễn Trung trực, Rạch Giá, Kiên Giang)
GS Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch Hội Gan Mật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Gan Mật VN, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Gan Mật châu Á - Thái Bình Dương: Đã điều trị viêm gan C theo phác đồ 6 tháng. Nếu ngưng thuốc sau 3 tháng thử lại mà không có vi rút, thì khả năng lành là trên 90% và sau 6 tháng vẫn không có vi rút thì khả năng lành là trên 99%.
Tôi nhiễm Viêm gan C nhưng chưa có tiền điều trị. Báo chí đăng nước Nga sản xuất thuốc điều trị trong 1 tháng, vậy khi nào VN có loại thuốc này? - huynh ngoc chien(tan loc thot not can tho)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Những người nhiễm viêm gan C nếu gan còn tốt không cần phải kiêng cử đặc biệt (trừ rượu, bia).
Thuốc của Nga mà bạn nói (Profetal) chưa có ở Việt Nam mà cũng chưa phổ biến. Sau khi nhiễm thì 20% có thể tự lành, những người nhiễm mãn tính thì 75% có thể ổn định lâu dài vì vậy cần theo tại các cơ sở chuyên khoa để xem bệnh có biến chuyển hay không.
Tôi được chuẩn đoán là viêm gan siêu vi C. Vậy cho tôi hỏi bệnh này có gây ảnh hưởng khi tôi phải mổ sỏi túi mật không? Và mức độ nghiêm trọng của bệnh này như thế nào? - Lý Tuyết Hồng(Bình Chánh )
GS Phạm Hoàng Phiệt: Nhiễm viêm gan C nếu tình trạng gan còn tốt, thì vẫn có thể mổ sỏi túi mật bình thường.
PHÒNG BỆNH
Hiện nay đã có vaccine phòng lây nhiễm HCV không? Đang bị viêm gan siêu vi C mạn tính có nên chích ngừa viêm gan siêu vi B hay không? - Hồng Ân(145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Hiện nay chưa có vaccine phòng viêm gan C và trong tương lai gần cũng chưa có, những người khi đã mắc viêm gan C có thể và nên chủng ngừa viêm gan B nếu chưa miễm nhiễm.
Bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C cần làm gì để bảo vệ gan của mình? Lời khuyên chế độ ăn uống và lối sống? - Như Cường (Thành Thái)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Bạn không nên làm hại thêm lá gan của mình như uống rượu, để béo phì và nên theo dõi định kỳ sức khỏe của mình. Sử dụng các loại thuốc cần cẩn thận vì có 1 số loại thuốc có ảnh hưởng đến gan.
Nói chung những bệnh nhân đang bị vi rút viêm gan C ở giai đoạn chưa tổn thương ở gan thì không bắt buộc tuân theo những điều kiện ở trên.
Tôi đã tiêm ngừa Viêm gan siêu vi B cách nay 01 năm rồi, vậy có thể bị bệnh đó hay không? Nay tôi có thể tiêm ngừa Viêm gan siêu vi C không? - NGUYEN VAN HINH(128 Duong 26/3 P.BHH. Q BT)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Sau khi tiêm ngừa đủ liều là 3 mũi tháng thứ 7 kể từ mũi tiêm đầu tiên bạn nên xét nghiệm kháng thể Anti HBs, nếu độ kháng thể > 10 UI thì mới đạt yêu cầu ngừa bệnh.
Tôi không biết bạn có xét nghiệm kháng thể hay không. Nếu bạn có kháng thể đạt yêu cầu thì mới không bị bệnh. Nếu bạn không có kháng thể thì khi tiếp xúc với người bệnh thì bạn vẫn có thể bị lây bệnh. Hiện nay chưa có vaccine ngừa viêm gan siêu vi C.
Xin các BS cho biết, tôi bị bệnh siêu vi B cách đây 5 năm, hiện tại men gan tôi đã bình thường dưới các trị số cho phép dù đã ngưng uống thuốc 3 năm nay. Nay tôi muốn biết cách ngừa siêu vi C như thế nào có vaccine này chưa? Cảm ơn chương trình. - Dương Văn Dũng (An giang)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Nếu đã biết bị nhiễm siêu vi viêm gan B và ngưng thuốc 3 năm không có tai biến gì, nhưng bạn vẫn cần phải theo dõi vì nó vẫn có thể bùng phát lại.
Còn viêm gan C thì hiện nay chưa có vaccine và chỉ có cách là phòng ngừa lây lan qua các đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Ba tôi năm nay 67 tuổi, được BS chẩn đoán là bị viêm gan C mạn tính. BS hướng dẫn cho tôi cách chăm sóc người bệnh cũng như cách phòng ngừa bệnh này. Thành thật cám ơn. - Phuong()
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Tuỳ tình hình sức khỏe của ba bạn như thế nào mà có những chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra vẫn sống và sinh hoạt bình thường.
Không nên dùng chung dao cạo râu, đồ cắt móng tay, không nên cho máu. Nếu có vết thương chảy máu cần rửa kỹ và băng kín để tránh lây lan.
Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để có thể phòng bệnh Viêm Gan siêu vi C? - Hoàng Cải Bình(Quận 8, TP.HCM)
GS Phạm Hoàng Phiệt: Viêm gan C không có vắc-xin phòng ngừa, nên phải phòng bệnh bằng tránh các đường lây lan (đường máu, tình dục và mẹ sang con).
Tôi bị viêm gan b. Hiện nay có thuốc ngừa và thuốc đặc trị viêm gan b chưa. Tôi chích ngừa được không. Xin cám ơn. - lê viết minh kỳ(bà rịa-vũng tàu)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Hiện nay có rất nhiều thuốc đặc trị điều trị viêm gan B mãn tính. Nhưng việc điều trị phải kéo dài nhiều năm đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trị.
Hiện nay đã có thuốc ngừa nhiễm vi rút viêm gan B nhưng chỉ dùng cho người chưa nhiễm. Anh đã có nhiễm rồi thì nên theo dõi và điều trị không nên tiêm ngừa.
Ba tôi năm trước có bị viêm gan siêu vi B hay C gì đó, chỉ biết là phải chích thuốc và điều trị 1 năm. Mỗi tháng chích 4 lần, chi phí mỗi tháng 18 - 20 triệu đồng. Liệu ba tôi có chắc chắn hết bệnh? Và làm cách nào để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh? Cám ơn. - Phương Thanh (Hà Nội)
ThS-BS Phạm Thị Thu Thủy: Sau khi điều trị bệnh BS có báo là ba bạn hết bệnh hay không? Nếu đã hết vẫn phải theo dõi bệnh định kỳ và giữ chế độ sống lành mạnh không có rượu bia.
Nếu điều trị 1 năm vẫn chưa hết bệnh thì vẫn phải theo dõi và điều trị tiếp tục với phác đồ khác. - TNO
No comments:
Post a Comment