10/08/2012

Cảnh giác với gan nhiễm mỡ

Cảnh giác với gan nhiem mo
Khi nói đến bệnh gan, người ta thường hay nghe đến viêm gan, xơ gan hay ung thư gan…, ít ai nhắc đến gan thoái hoá mỡ (gan nhiễm mỡ). Tuy nhiên, căn bệnh này đang có tốc độ phát triển nhanh.
Báo động đỏ
Hiện nay, không chỉ người trung niên mà ngay cả lớp trẻ, tỷ lệ người mắc gan nhiễm mỡ khá cao. Trung bình cứ 10 người làm xét nghiệm lâm sàng thì có 6 người bị gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong các dạng tổn thương lan toả rất phổ biến của tế bào gan. Nếu tổn thương ít, thường không nguy hiểm gì, không thấy xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu tổn thương nặng, rất dễ gây ra một số triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng gan trở thành căn bệnh gan, thoái hoá mỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ đều không có triệu chứng gì, trừ một số trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện như: Kém ăn, mệt mỏi, vàng da, gan to.

Tổn thương chủ yếu ở các tế bào gan có chứa các hạt mỡ mà bình thường các tế bào gan không hề có. Số lượng mỡ này nhiều hay ít tuỳ trường hợp, nếu ít sẽ không ảnh hưởng gì đến cấu trúc cũng như chức năng tế bào gan. Nhưng nếu lượng mỡ nhiều sẽ làm gan nở to ra, ảnh hưởng đến việc thải độc của gan. Có thể phân loại nhờ vào kích thước các hạt mỡ trong tế bào gan mà người ta thường chia làm 2 loại: Gan thoái hoá mỡ hạt to và gan thoái hóa mỡ hạt nhỏ.
Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ có thể dựa vào siêu âm, chụp quét cắt lớp điện toán gan, xét nghiệm chức năng gan, đo độ men gan, đo độ đàn hồi của gan. Đặc biệt, để biết chính xác bạn có bị gan nhiễm mỡ hay không cần phải làm ngay các xét nghiệm sinh thiết gan để có kết luận chuẩn xác nhất.
Rượu – kẻ thù số 1
Hầu hết các bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không phải điều trị gì, trừ một số trường hợp nặng. Với những trường hợp này có thể dùng một số thuốc hỗ trợ tế bào gan như: Pomuline, protect, legalon, livoline H… để cắt đứt nguyên nhân gây thoái hoá mỡ gan.
Theo một số nghiên cứu trong nước và quốc tế, có nhiều nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận do một số yếu tố thường gặp sau:
Rượu là nguyên nhân phải kể đến đầu tiên, dù là rượu mạnh hay rượu nhẹ. Uống rượu càng nhiều càng kéo dài thì gây thoái hoá mỡ ở gan càng nặng, có thể dẫn đến xơ gan, gây tử vong. Uống ít cũng có nguy cơ gây thoái hoá mỡ gan, nếu ở mức độ nhẹ thì có thể hồi phục được khi không uống rượu nữa.

Rượu là kẻ thù số 1 của gan (ảnh minh họa)
Người ta nhận ra rằng, mỗi ngày uống trên 40gram rượu vượt quá khả năng chuyển hoá của tế bào gan (ethanol) trong 1 năm thì nguy cơ dẫn đến thoái hoá mỡ gan và suy gan càng cao. Người ta tính rằng, cứ 1 độ cồn trong rượu tương đương với 1 gram cồn ethanol trong 100ml rượu. Vì vậy, một loại rượu có 43 độ cồn thì trong 100ml rượu đó chứa 43gram cồn ethanol. Do đó, uống 100ml rượu là đã uống 43gram cồn, vượt quá so với tiêu chuẩn cho phép.

Nguyên nhân thứ 2 gây nên bệnh gan nhiễm mỡ là do bệnh đái tháo đường. Bệnh có thể gây biến chứng ở nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có gan. 30-50% số người đái tháo đường thường có biến chứng thoái hoá mỡ gan.
Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến thoái hoá mỡ gan là do sử dụng quá nhiều loại thuốc không có lợi cho gan. Cần lưu ý rằng, từ viên thuốc kháng sinh đến các thuốc giảm đau, thuốc chống táo bón… đều có thể gây thoái hoá mỡ gan. Do đó không nên tuỳ tiện dùng thuốc, nếu không được sự chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, một số căn bệnh cũng có thể làm gia tăng gan nhiễm mỡ, như bệnh táo bón, ỉa chảy, bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng, ký sinh trùng, lọc máu chu kỳ, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, đường uống hoặc có thai… Nhiều người khác cũng có thể mắc gan nhiễm mỡ khi không đáp ứng đủ chế độ dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến suy dinh dưỡng./.

No comments:

Post a Comment