4/08/2013

Viêm gan siêu vi D có đặc điểm như thế nào

Người ta hiện đã nhận dạng được ít nhất là 3 kiểu loại gen (genotype) khác nhau của viêm gan siêu vi D. Siêu vi D1 được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, siêu vi D2 được tìm ra tại Đài Loan, siêu vi D3 được tìm thấy nhiều nhất ở Châu Mỹ Latin. Siêu vi D2 ít gây bệnh hơn hai loại kia, và siêu vi D3 được xem là nguy hiểm nhất.
Sự hợp tác phụ thuộc giữa siêu vi viêm gan D với viêm gan siêu vi B được thể hiện rất rõ trong cách thức “hoạt động” của chúng. Siêu vi viêm gan D đã lợi dụng lớp “vỏ bọc” kiên cố của chất kháng nguyên HBsAg làm “áo giáp” bảo vệ cho chính mình. Không có chất HBsAg “xài chung” của siêu vi viêm gan B, chúng không thể nào xâm nhập được vào tế bào gan, và ngay cả nếu như sinh trưởng được trong các tế bào gan, chúng cũng sẽ không có khả năng truyền nhiễm và lan tràn từ tế bào này sang tế bào kia. Nói một cách dễ hiểu, siêu vi viêm gan D giống như một “viên đạn”, cần phải kết hợp với “cây súng” là siêu vi viêm gan B mới có được khả năng tàn phá cơ thể người bệnh.
Do sự “phụ thuộc” của siêu vi viêm gan D vào siêu vi viêm gan B, nên bệnh viêm gan D có thể nói là một kiểu bệnh truyền nhiễm “có điều kiện”. Điều đó có nghĩa là, bệnh chỉ nguy hiểm đối với những ai đang hoặc sẽ mắc bệnh viêm gan B mà thôi.
Nói một cách khác, bệnh chỉ lây lan với những ai chưa có kháng thể chống lại siêu vi viêm gan B. Những người đã có khả năng miễn nhiễm đối với bệnh viêm gan B sẽ không phải là đối tượng nhắm đến của bệnh viêm gan siêu vi D nữa.
Tuy vậy, theo ước đoán hiện nay, với khoảng 300 triệu người đang bị bệnh gan B trên toàn thế giới thì con đường “làm ăn” của siêu vi D vẫn đang rất là “phát đạt”, với khoảng 5% số người đó đã bị chúng tấn công. Nói cách khác, hiện có khoảng 15 triệu người đang mắc cả hai chứng bệnh viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi D.
Những nỗ lực ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi B vì thế trực tiếp làm giảm đi số người bị nhiễm siêu vi D. Tuy nhiên, cho đến nay “thành quả” của loại siêu vi này vẫn rất đáng lo ngại, với tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối cao, từ 1.4% đến 8.0% tùy theo từng nơi trên thế giới. Phụ thuộc vào siêu vi B, nên tỷ lệ này cũng là cao nhất ở các nước nghèo và chậm tiến.
Vì bệnh lây lan chủ yếu qua đường máu, nên có khoảng từ 20% đến 53% những người chích ma túy, nhất là trong điều kiện dùng chung kim chích, và từ 48% đến 80% những người mắc bệnh huyết hữu (hemophilia) đã và đang mắc vào cả hai căn bệnh viem gan sieu vi B và siêu vi D. Ngay như tại Hoa Kỳ là một trong những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh viêm gan B thấp nhất thế giới, mỗi năm cũng có chừng 7.500 người bị nhiễm siêu vi D.
Kháng nguyên HbsAg hiện diện trong máu những người có bệnh viêm gan siêu vi B dường như có khả năng thu hút siêu vi viêm gan D một cách mãnh liệt và thúc đẩy sự tăng trưởng của chúng một cách rất nhanh chóng. Vì thế, chỉ cần một số rất ít siêu vi viêm gan D cũng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác một cách dễ dàng.
Trong những năm gần đây, việc chủng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B được mở rộng cho mọi đối tượng trong xã hội. Yếu tố tích cực này đã góp phần đáng kể trong việc làm cho số người bị nhiễm siêu vi viêm gan D ngày càng giảm nhanh.
Tuy không lây lan mạnh qua các hoạt động tình dục – với tỷ lệ khá thấp – nhưng nguy cơ mắc bệnh khi giao hợp với người bị nhiễm siêu vi D cũng cần phải chú ý. Tốt nhất vẫn phải là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Những người chích ma túy là “con mồi” béo bở cho sự lây lan của siêu vi D, nhất là khi họ dùng chung kim chích. Tại Đài Loan chẳng hạn, hơn 90% bệnh nhân viêm gan B bị lây từ việc chích ma túy đã cùng lúc nhiễm bệnh viêm gan D. Những người này cũng rất dễ nhiễm vi khuẩn HIV.

No comments:

Post a Comment