4/08/2013

Đặc điểm viêm gan siêu vi D cấp tính

Khi bị nhiễm viêm gan siêu vi D, người bệnh có thể rơi vào một trong hai trường hợp. Có thể đồng thời bị nhiễm cả hai loại siêu vi B và siêu vi D, thường gọi là đồng nhiễm (coinfection), hoặc đã nhiễm siêu vi viêm gan B trước một thời gian rồi mới nhiễm siêu vi viêm gan D, hay thường gọi là bội nhiễm (superinfection).
Trong cả 2 trường hợp này, với sự “tiếp sức” của siêu vi viêm gan D, các tế bào gan của bệnh nhân viêm gan siêu vi B sẽ bị tàn phá một cách nhanh chóng hơn, nhất là trong trường hợp bội nhiễm.
a. Đồng nhiễm (coinfection)
Bệnh viêm gan siêu vi D thường gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh viêm gan B. Vì cùng lúc cơ thể bị tấn công bởi 2 loại siêu vi viêm gan khác nhau nên những triệu chứng có thể sẽ nặng nề hơn và cơn bệnh cấp tính có thể kéo dài hơn.
Theo kết quả nghiên cứu sự thay đổi phân hóa tố ALT trong máu bệnh nhân, trong trường hợp bệnh viêm gan cấp tính đồng nhiễm siêu vi B và D, thường có hai đợt chuyển biến nối tiếp theo nhau. Lần gia tăng phân hóa tố ALT thứ nhất là do viêm gan cấp tính siêu vi B gây ra, lần thứ hai tiếp theo sau đó là do viêm gan siêu vi D gây ra.
Do đó, trong thực tế diễn tiến của bệnh khi đồng nhiễm cả viem gan sieu vi B và siêu vi D, các triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan B sẽ xuất hiện trước. Sau đó, khi bệnh có vẻ như đang thuyên giảm thì những triệu chứng như vàng da, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt ... lại bắt đầu tái phát. Đây là tác động gây ra do sự “hùa theo” của bệnh viêm gan siêu vi D.
Tùy theo độ tuổi và thể trạng khi bị nhiễm bệnh, những triệu chứng có thể rất rõ rệt hoặc chỉ mơ hồ. Bệnh nhân càng ít tuổi thì triệu chứng bệnh càng mờ nhạt, bệnh nhân đã trưởng thành thì các triệu chứng có thể sẽ mãnh liệt, nặng nề hơn.
Sự mờ nhạt của các triệu chứng bệnh, tiếc thay, không phải là dấu hiệu may mắn. Bởi vì chính những trường hợp này có nguy cơ chuyển sang viêm gan mạn tính nhiều hơn. Trẻ sơ sinh hoặc các em bé còn ít tuổi thường không có nhiều triệu chứng trong giai đoạn viêm gan cấp tính, nhưng sau đó thì đa số chuyển sang viêm gan mạn tính. Ngược lại, những người đã trưởng thành, với hệ thống miễn nhiễm của cơ thể hoàn chỉnh hơn, sẽ phản ứng dữ dội khi bị siêu vi xâm nhập, gây ra những triệu chứng nặng nề, mãnh liệt hơn. Nhưng sau đó, khả năng tiêu diệt hết siêu vi và khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao, chỉ một số rất ít chuyển sang viêm gan mạn tính.
Nhận xét này cho thấy việc phát hiện bệnh ở những phụ nữ đang có thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ là rất quan trọng. Bởi vì sự phát hiện bệnh ở các đối tượng này sẽ giúp bảo vệ an toàn hơn cho các cháu bé sơ sinh trước nguy cơ nhiễm bệnh rất cao và vô cùng nguy hiểm vì mối đe dọa chuyển sang viêm gan mạn tính sau đó.
b. Bội nhiễm (Superinfetion)
Bội nhiễm là trường hợp rất nguy hiểm. Với sự phát triển của siêu vi viêm gan D trong một cơ thể đang bị tấn công bởi siêu vi viêm gan B, bệnh sẽ trở nên trầm trọng, với những hậu quả vô cùng tai hại trong một thời gian rất ngắn.
Trong một số trường hợp, khi siêu vi bệnh gan B đang trong trạng thái “yên nghỉ” thụ động không gây tổn hại cho gan – trường hợp của những người lành mang siêu vi (healthy carriers) như đã nói trước đây –, sự tiếp xúc với siêu vi viêm gan D sẽ “đánh thức” siêu vi B và khởi đầu cho một giai đoạn tàn phá các tế bào gan một cách rất nhanh chóng, có thể là chỉ trong một thời gian từ 3 đến 5 năm.
Vì thế, tuy là một loại siêu vi “không trọn vẹn”, nhưng với khả năng “đánh thức” siêu vi viêm gan B đang “ngủ say” thì siêu vi D đã trở thành một loại siêu vi rất nguy hiểm. Và sự “hợp tác” của siêu vi D với siêu vi B trong cuộc chiến tàn phá các tế bào gan sẽ càng làm cho căn bệnh trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

No comments:

Post a Comment