Sau sự việc ba trẻ sơ sinh đã tử vong ngay sau khi được các y tá của Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiêm vắcxin viêm gan B (sơ sinh), đã khiến cho rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn về việc tiêm vắcxin phòng viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh 24 giờ.
Để có được nhận định khách quan từ phía chuyên gia về vắcxin, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Bảng, Nguyên viện trưởng Viện Kiểm định Vắcxin và Sinh phẩm y tế quốc gia về việc này.
- Xin giáo sư cho biết ý kiến của mình về sự việc ba trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi được các y tá của Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiêm vắcxin viêm gan B (sơ sinh).
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Sự cố xảy ra đối với ba cháu bé ở tỉnh Quảng Trị là chuyện rất đáng tiếc và đau lòng. Việc các cháu bé tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B vừa qua gây ảnh hưởng đến những người làm công tác quản lý y tế và cho toàn xã hội. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cũng cần những thông tin chính xác.
Bởi, hiện nay có một số báo đưa tin ba cháu bé này chết do vắcxin là chưa đúng. Vì trường hợp của ba cháu bé ở Quảng Trị, chưa thể khẳng định là do vắcxin mà chỉ có thể nói ba cháu bé tử vong sau tiêm chủng.
- Sau khi tiêm 30 phút, ba cháu bé này đã tử vong. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng trên?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Sự việc ba cháu bé tử vong một thời gian ngắn chỉ vài chục phút sau tiêm, theo tôi đây là trường hợp mới xuất hiện lần đầu ở Việt Nam, đặc biệt tại một bệnh viện xảy ra đồng thời ba cháu bé tử vong sau ít phút tiêm vắcxin. Quả thực, đây là hiện tượng đau lòng cho gia đình và những bậc cha mẹ.
Tôi nghĩ rằng, nói về nguyên nhân phải chờ kết luận cuối cùng từ phía Bộ Y tế. Bởi, trẻ chết sau tiêm chủng có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do vắcxin.
- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng việc tiêm vắcxin cho trẻ trong 24 giờ sau sinh còn có nhiều khả năng rủi ro. Là một chuyên gia về lĩnh vực này, ông có thể phân tích sâu hơn cho độc giả về những rủi ro này?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Việc tiêm vắcxin cho trẻ 24 giờ sau khi sinh có hai ưu điểm là: để kiểm soát được 100% trẻ được tiêm chủng sau khi sinh, thứ hai nữa là để giải quyết được trường hợp những người mẹ có mang kháng nguyên của virut viêm gan B, việc tiêm này nhằm góp phần làm âm tính hóa trường hợp cháu bé sinh ra từ những người mẹ viêm gan B.
Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ bị nhiễm viêm gan B, khi họ sinh con ra thì đó là truyền kháng nguyên chứ không phải truyền virus. Hơn nữa, có kháng nguyên đó chưa chắc bị viêm gan, bởi không phải tất cả các kháng nguyên đều phát triển thành viêm gan. Đặc biệt, để âm tính hóa kháng nguyên có virus viêm gan B ở trẻ em thì phải tiêm nhiều mũi. Do vậy, theo tôi không nên tiêm chủng phòng bệnh này quá sớm cho trẻ.
- Cơ sở khoa học nào để ông khẳng định không nên tiêm phòng viêm gan B quá sớm cho trẻ?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Virus viêm gan lây qua ba con đường chính gồm: đường tiêm truyền máu, hoặc tiêm chích ma túy (qua con đường tiêm chích). Cách lây truyền thứ hai là qua hoạt động tình dục và con đường thứ ba là từ người mẹ truyền cho con.
Phân tích một cách khoa học như vậy, chúng ta thấy, đối với trẻ em mới sinh ra thì có thể loại trừ phương án liên quan đến vấn đề tiêm chích và đường hoạt động tình dục. Như vậy, chỉ còn khả năng thứ ba là truyền từ người mẹ sang con. Nếu chúng ta kiểm soát tốt người mẹ không bị viêm gan, thì con không bị sao. Cho nên, vì phương diện bảo vệ của trẻ em, tôi nghĩ rằng không nên tiêm sớm quá cho trẻ. Vì bệnh này không lây cho trẻ trong trường hợp với những người mẹ không có bệnh viêm gan.
Trẻ mới đẻ ra mà bị lây theo một trong ba con đường trên thì rất hiếm, nên theo tôi, trong việc tiêm chủng phòng bệnh trên cho trẻ chúng ta không nên vội vàng.
Hiện tiêm cho trẻ sơ sinh chỉ có hai loại vắcxin phòng lao và viem gan B. Tiêm vắcxin phòng lao cho trẻ sau khi sinh là hoàn toàn đúng, vì bệnh lao lây qua đường hô hấp, từ ô nhiễm không khí, môi trường, người xung quanh, từ đó xâm nhập vào trẻ mới sinh. Nhưng virus viêm gan B thì không lây dễ dàng như vi khuẩn lao, nên tôi chỉ ủng hộ tiêm vắcxin phòng lao cho trẻ nhỏ. Còn với vắcxin viêm gan B, về quan điểm cá nhân, tôi thấy chưa thuyết phục về mặt khoa học. Còn chủ trương lớn của ngành y tế, tôi không có ý kiến gì phản bác, nhưng tôi vẫn không yên tâm với cách tổ chức tiêm sớm quá.
- Là một người có nhiều năm nghiên cứu, kiểm định về vắcxin, để tránh những rủi ro thì quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Ở trẻ mới sinh từ 1-2 ngày tuổi thì khả năng thích ứng của trẻ với môi trường bên ngoài chưa có. Bởi trẻ đang nằm trong bụng người mẹ, ở nhiệt độ 37 độ, được bảo vệ rất tốt bởi nhiệt độ và nước ối xung quanh. Khi trẻ được đẻ ra trần trụi và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nếu nhà hộ sinh có nhiệt độ điều hòa thì tốt cho trẻ hơn. Nhưng ở những vùng khó khăn, không có điều hòa nhiệt độ, khi trời nóng lên 39-40 độ, thì trẻ trẻ 1-2 ngày tuổi khó thích ứng với môi trường hơn.
Tôi cho rằng, để khắc phục trường hợp này, chỉ nên xem người mẹ có mang mầm bệnh viêm gan hay không. Bởi có rất nhiều bà mẹ không mang virus viêm gan mà tiêm cho con thì chưa hợp lý lắm, khi đó những trẻ sơ sinh đó vẫn có nhiều rủi ro. Theo tôi, nếu người mẹ không bị benh gan sieu vi B, thì không nên tiêm chủng phòng bệnh này quá sớm cho trẻ.
- Có phụ huynh cho rằng, việc tiêm vắcxin ngay tại trạm hộ sinh thì có thể không yên tâm bằng tại các cơ sở chuyên tiêm chủng, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Tôi cho rằng, việc tiêm vắcxin tại trạm hộ sinh là chưa hợp lý. Bởi các nữ hộ sinh, họ chỉ giỏi về đỡ đẻ, còn kỹ năng tiêm chủng họ chưa được bồi dưỡng nhiều.
- Ở góc độ chuyên môn, xin ông cho biết việc tiêm nhanh hay tiêm chậm vắcxin có ảnh hưởng đến việc thích ứng của trẻ?
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng: Trong tiêm chủng, việc tiêm nhanh quá cũng không được, phải tiêm đúng quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo tôi, một cháu bé vừa lọt lòng ra, chưa thích ứng được với môi trường, mà lại tiêm vắcxin là chất lạ vào cơ thể, nhất là vắcxin vừa lấy trong tủ lạnh ra, cơ thể đứa bé phản ứng lại là đúng. Tôi cho rằng, trong trường hợp vắcxin đó được lấy từ tủ lạnh ra, thì người tiêm đúng ra nên để ngoài một chút, cho nhiệt độ của vắcxin tăng lên gần tương đương với nhiệt độ cơ thể của trẻ.
Nếu là con cháu tôi, tôi sẽ không để tiêm ngay cho bé như thế. Tôi xin nhắc lại, trong tiêm chủng với trẻ sơ sinh, chúng ta không nên vội vàng quá, bởi trẻ sau khi sinh 1, 2 tháng, ba tháng, thậm chí đến 10 tháng sau vẫn có thể tiêm phòng được. Đối với những trẻ mà người mẹ bị viêm gan B, một mũi tiêm ở nhà hộ sinh không thể tác động để âm tính được ngay những kháng nguyên có virus viêm gan B.
Tôi nghĩ rằng nếu còn tiếp tục cách tiêm như thế, khó tránh khỏi tai biến trong tương lai.
No comments:
Post a Comment