8/11/2018

VIÊM MŨI XOANG CẤP Ở TRẺ EM

Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não…

1/Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn là gì?

Viêm mũi xoang cấp là tình trạng viêm niêm mạc phủ bề mặt của một hay nhiều xoang mặt gây nên bởi vi khuẩn, do niêm mạc xoang liên tục với niêm mạc hốc mũi và hầu hết đi kèm với viêm niêm mạc mũi nên thuật ngữ viêm mũi xoang cũng được dùng phổ biến để chỉ viêm xoang.

2/Trẻ em có hay bị viêm xoang không?
 


Đến 20 tuổi thì các xoang mặt mới phát triển hoàn thiện nhưng ở độ tuổi 12 thì hốc mũi và các xoang mặt đã định hình và có tỷ lệ gần giống với người trưởng thành. Xoang hàm, xoang sàng trước có ngay từ khi trẻ ra đời và phát triển nhanh chóng trong những năm đầu, xoang trán, sàng sau và xoang bướm thì phát triển muộn hơn. Vậy nên trẻ em hoàn toàn có thể mắc viêm xoang chưa tính đến ở trẻ hệ thống miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện nên trẻ hay bị các đợt viêm mũi họng cấp và từ đó bội nhiễm vi khuẩn và trở thành viêm xoang.

Thống kê cho thấy rằng trẻ em trung bình mắc từ 3 đến 6 đợt viêm mũi họng cấp/năm, nguyên nhân của những đợt viêm nhiễm này là do Virus nhưng có tới 5% bị bội nhiễm vi khuẩn và phát triển thành viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn. Như vậy tỷ lệ mắc viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ em là khá lớn khi tính rộng trên cả cộng đồng.

3/Viêm xoang có nguy hiểm không?

Trong khi viêm mũi xoang cấp do virus thường tự khỏi không cần điều trị trong khoảng từ 7 đến 10 ngày thì tỷ lệ tự khỏi của viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn có nhưng nhỏ nên thường phải dùng kháng sinh trị liệu.

Viêm xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não…

4/Tại sao không điều trị kháng sinh cho tất cả các trường hợp có biểu hiện như viêm xoang?

Như đã đề cập ở trên trẻ em rất hay mắc viêm mũi họng cấp tính do virus, đây là quá trình bình thường để hình thành nên hệ miễn dịch của trẻ sau này, đa số các viêm mũi họng này tự khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần tới bất cứ điều trị đặc hiệu nào chỉ có 5% bị bội nhiễm trở thành viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh tràn lan là lãng phí, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh và đôi khi còn gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như trong các trường hợp dị ứng kháng sinh.

5/Khi nào cần dùng kháng sinh?
 


Câu trả lời tưởng như đơn giản là khi bị viêm mũi xoang cấp tính nhiễm khuẩn nhưng trên thực tế việc này khá khó khăn không chỉ với cha mẹ trẻ mà ngay cả đối với các Bác sĩ gia đình do triệu chứng lâm sàng của viêm mũi họng cấp virus và viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn khá giống nhau đều biểu hiện: ho, đau rát họng, các dấu hiệu của mũi như ngạt mũi, chảy nước mũi, căng tức trong mũi do xung huyết và sốt.

Một vài đặc điểm lâm sàng dưới đây sẽ giúp phân biệt hai bệnh lý này:

-Viêm mũi họng cấp do virus thường diễn biến trong 7-10 ngày, trẻ có thể vẫn còn các triệu chứng tại ngày thứ 10 nhưng các biểu hiện này đã cải thiện đáng kể sau khi đạt đỉnh vào khoảng ngày thứ 3-6 của bệnh. Thường chỉ sốt nhẹ và trong một hai ngày đầu đi kèm với các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, đau cơ, các dấu hiệu này giảm dần sau 2-3 ngày trong khi các dấu hiệu về hô hấp lại tăng lên. Dịch mũi thường trong loãng chuyển sang đặc có màu như mủ rồi ít dần và trong trở lại trước khi hết hẳn quá trình này diễn biến tự nhiên không cần tới kháng sinh.

-Viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn: có 3 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau:

+Các biểu hiện lâm sàng kéo dài trên 10 ngày và dưới 30 ngày và đặc biệt là không có biểu hiện thuyên giảm.

+Có các dấu hiệu nặng trong quá trình diễn biến như sốt cao > 39độ C kết hợp chảy mũi mủ trên 3 ngày liên tiếp.

+Diễn biến bệnh theo biểu đồ yên ngựa tức là các triệu chứng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào ngày thư 3-4 nhưng lại nặng lên vào ngày thứ 6-7, xuất hiện thêm đau đầu hay sốt trở lại sau khi đã dứt sốt vài ngày.

6/Vai trò của Bs chuyên khoa Tai mũi họng trong Viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn

Chẩn đoán đúng các trường hợp viêm xoang cấp nhiễm khuẩn để từ đó có phác đồ điều trị hợp lý tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi trong những trường hợp không cần thiết.

Phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng viêm mũi xoang cấp để điều trị tích cực hơn nhằm hạn chế di chứng và tránh nguy cơ tử vong cho trẻ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA AN VIỆT
Địa chỉ: 1E Trường Chinh - Hà Nội
Điện thoại: 024 62 628 628 - 0968 08 55 99
Email: info@benhvienanviet.com
Website: http://khamtaimuihongnhi.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/taimuihongnhi

Tag: viem mui xoang capviêm mũi xoang cấpviêm tai giữa kiêng ăn gìsổ mũi kéo dàixử lý trẻ bị chảy máu camngạt mũi về đêm ở trẻgiúp trẻ mau hết sổ mũiKhám tai mũi họngKhám tai mũi họng nhiKhám tai mũi họng nhi ở đâu tốtPhòng tránh bệnh tai mũi họng cho béBé bị tai mũi họng chữa bằng cách dân gian

No comments:

Post a Comment