Cần phải làm gì khi nhiễm HBV?
Khi kiểm tra máu phát hiện mình bị nhiễm virut viêm gan B, bạn không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh và nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về quá trình theo dõi cũng như điều trị. Có một điểm cần lưu ý, không phải người nào bị nhiễm virut viêm gan B cũng sẽ bị bệnh.
Khoảng 90% người lớn trưởng thành có hệ miễn dịch bình thường sẽ có khả năng loại sạch HBV trước khi chuyển thành bệnh gan B mạn tính. Tình huống này xảy ra trong 6 tháng đầu tiên từ khi nhiễm HBV và đôi khi gây ra các triệu chứng điển hình của viêm gan cấp với các biểu hiện như: thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Có thể nặng hơn với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm…
Một số người nhiễm HBV mạn tính trên 6 tháng nhưng không có triệu chứng gì được gọi là người lành mang mầm bệnh. Lúc này HBV có thể “chung sống hòa bình” với bạn suốt đời, tuy nhiên cũng có một lúc nào đó trở thành thủ phạm gây bệnh cho chính bạn và lây truyền cho người khác. Vì vậy, bạn cần cảnh giác bằng cách đến gặp bác sĩ mỗi 3 – 6 tháng tùy trường hợp để được kiểm tra.
Khoảng 9 – 10% người nhiễm HBV sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Mức độ tổn thương gan thay đổi từ nhẹ, vừa và nặng; mức độ tổn thương mô học liên quan đến độ trầm trọng của bệnh. Tổn thương gan diễn ra qua 3 giai đoạn
Giai đoạn 1: kéo dài từ 1 – 10 năm, được đánh dấu bằng sự nhân lên mạnh mẽ của virut; Tổn thương gan trong giai đoạn này còn nhẹ.
Giai đoạn 2: đặc trưng bởi một sự tăng cường miễn dịch tế bào mà cơ chế khởi phát còn chưa biết rõ. Pha này được gọi là pha chuyển huyết thanh kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Giai đoạn 3: đặc trưng bởi sự ngừng nhân lên của virut. Hoạt tính của thương tổn gan rất yếu hoặc không có. Xét nghiệm mô học luôn luôn có bằng chứng của xơ gan không hoạt động. Suốt thời kỳ 3 này có thể có một đợt nặng thêm của bệnh, sự nặng thêm này liên quan với việc nhân lên của virut hoặc cũng có thể có sự lây nhiễm một loại virut viêm gan khác như virut viêm gan D hoặc C. Sự nặng lên của bệnh trong giai đoạn này kéo theo tăng cao nguy cơ gây xơ gan và ung thư gan.
Phòng bệnh và điều trị như thế nào?
Khi đã nhiễm virut viêm gan B, bạn cần được sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ. Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm virut viêm gan B là tiêm vaccin. Đối với trẻ sinh ra từ các bà mẹ có HBsAg cần phải tiêm HBIG (Hepatitis B immune globulin) và vaccin càng sớm càng tốt, đặc biệt hiệu quả trong vòng 12 giờ sau khi sinh. ở nước ta hiện nay, vaccin viêm gan B đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho tất cả trẻ em. Bên cạnh biện pháp phòng ngừa bằng vaccin thì mọi người cần chú ý với đường lây truyền của bệnh đó là đường máu, đường kim tiêm và cần có các biện pháp tình dục an toàn.
Thay đổi trong lối sống giúp kiểm soát viêm gan B
Một lối sống lành mạnh cũng giúp bảo vệ gan của bạn và ngăn ngừa sự tiến triển đến xơ gan, ung thư gan:
Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn tốt nhất chỉ vừa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), đường và vitamin như hoa quả tươi, sữa chua…; giảm tối thiểu các thức ăn có mỡ, kể cả các món xào, rán; kiêng tuyệt đối rượu bia. Uống rượu khi đang bị viêm gan B sẽ làm bệnh nặng hơn, có thể gây nên tình trạng nguy hiểm gây tổn thương gan và dẫn đến xơ gan và ung thư gan
Người bị bệnh gan nên tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ
Vận động: Tập thể dục tuy không thải trừ được virut ra ngoài nhưng có tác dụng giúp bạn giữ và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Bạn có thể đi bộ, tập bơi, yoga hoặc thái cực quyền. Tuy nhiên, cần nhớ là không nên tập luyện quá sức vì có thể làm cho hệ miễn dịch của bạn yếu đi.
Bỏ thuốc lá: Gan chịu trách nhiệm phân hủy các hóa chất độc hại và những chất này gồm có các chất độc trong khói thuốc.
Thận trọng khi sử dụng thuốc, kể cả các thuốc thảo mộc vì chúng đều có nguy cơ gây độc cho gan. Nói chung, trước khi sử dụng nên có ý kiến tư vấn của bác sĩ.
No comments:
Post a Comment