6/18/2013

Cắt bảo hiểm điều trị bệnh gan

Đã hoàn thành phác đồ chuẩn điều trị bệnh gan C từ hơn 2 năm nay, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã “cắt” thanh toán bảo hiểm y tế BHYT, mặc dù thuốc điều trị bệnh này đã đưa vào danh mục BHYT. Thậm chí, mới đây còn có ý kiến loại viêm gan C ra khỏi BHYT, khiến cả triệu bệnh nhân đang ngắc ngoải vì chi phí điều trị quá cao.
Khánh kiệt và chết dần
Ông Trần Anh T. (38 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cầm kết quả xét nghiệm Anti-HCV dương tính mà như không tin nổi vào mắt mình: “Tôi có uống rượu, bia gì đâu mà bác sĩ bảo viêm gan C (HCV), rồi còn nói nguy cơ xơ gan nữa”. Vốn là thợ xây dựng, ông T. nói cả nhà không ai bị mắc cả nhưng gần đây ông thấy trong người mỏi mệt, khó thở, đau tức ở vùng gan nên đi khám và thật khốn khổ vì bệnh tình… Là nông dân nghèo để chữa bệnh, nên vợ chồng ông Trần Ngọc C. (ngụ Long Thành, Đồng Nai) đã phải bán miếng đất được hơn 100 triệu đồng. Hôm rồi lên thăm khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM, ông C. than thở: “Mỗi tháng phải dùng thuốc tiêm và uống hơn 20 triệu đồng và phải điều trị trong thời gian ít nhất 1 năm. Tiền bán miếng đất mới chỉ điều trị được hơn 6 tháng đã hết sạch”…
Bệnh nhân bệnh viêm gan C mong được nhận thuốc BHYT.
Theo bác sĩ phụ trách phòng khám gan BV Đại học Y Dược TPHCM, không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện mắc HCV khi ở giai đoạn quá muộn, đã chuyển sang xơ gan hoặc ung thư gan giai đoạn cuối. Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trung bình khoảng 20.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính mỗi tháng, trong đó gần 20% trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng. Theo bác sĩ phụ trách khoa khám gan của bệnh viện, sau viêm gan B là viêm gan C với tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 4% - 5%. Nhưng nghiêm trọng hơn khi mắc HCV có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Nghiên cứu của phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy TPHCM trên tất cả bệnh nhân nhiễm virus HCV điều trị nội và ngoại trú cho thấy, tỷ lệ ung thư gan do HCV cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Trong khi đó, hiện chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C. Nếu như năm 2005, phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân mắc HCV đến khám (chiếm 20% trên tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan), năm 2012 số ca tăng lên hơn 3.000 người. Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhân dân 115 và Trung tâm Y khoa Medic… mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus HCV mới.
“Cắt” bảo hiểm y tế
Mặc dù bệnh tình hiểm nghèo, chi phí điều trị cao nhưng hàng triệu bệnh nhân mắc HCV chưa được BHYT thanh toán một phần chi phí tiền thuốc đặc trị, mặc dù phác đồ điều trị đã có. Ngày 11-7-2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT. Theo đó, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị HCV với 2 hoạt chất Interferon và Peginterferon. Trên cơ sở đó, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và điều trị HCV chuẩn. Và ngày 10-2-2012, Bảo hiểm xã hội TPHCM có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh đồng ý thanh toán chi phí thuốc điều trị viêm gan C. Tuy nhiên, bệnh viện chưa kịp triển khai thì mới đây, Bảo hiểm xã hội TPHCM lại có công văn chưa thanh toán được 2 loại hoạt chất Interferon và Peginterferon do chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thống nhất về quy trình quản lý người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm.
Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, lý do là chưa có phác đồ điều trị quốc gia và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế thống nhất một phác đồ chung hướng dẫn cho cả nước để có căn cứ thanh toán. Trong khi đó, TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết phác đồ chuẩn đưa ra chi phí điều trị cao nhất cho bệnh nhân chỉ trung bình 120 triệu đồng/đợt điều trị 48 tuần. Theo tính toán của TS Hùng hiện thị trường Việt Nam có 3 loại thuốc điều trị HCV là Pegasys, PegIntron (cả 2 đều nhập ngoại), Pegnano (sản xuất trong nước). Trong đó, điều trị bằng Pegasys cộng với thuốc hỗ trợ RBV có chi phí khoảng 162 triệu đồng/đợt điều trị 48 tuần; PegIntron là gần 120 triệu đồng và Pegnano là 96 triệu đồng. Tuy nhiên, Pegasys, PegIntron được đánh giá hiệu quả điều trị và an toàn được toàn thế giới công nhận. Như vậy, chi phí nào hợp lý để Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần xem xét nhằm hỗ trợ một phần cho người bệnh?
Theo một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM, nếu có phác đồ điều trị chính thức, BHYT phải chi một khoản tiền lớn cho người có nhu cầu điều trị HCV và Quỹ BHYT không đáp ứng được. Đây có lẽ là khúc mắc mà thuốc điều trị HCV dù có trong danh mục thuốc được BHYT chi trả nhưng vẫn chưa thanh toán. Thậm chí có ý kiến cho rằng nên loại thuốc điều trị HCV ra khỏi danh mục thuốc BHYT. Tuy nhiên, theo TS Hùng, vấn đề không phải là BHYT chi trả hết chi phí điều trị cho người bệnh mà chỉ hỗ trợ một phần. Cần có những “hàng rào kỹ thuật” để sàng lọc bệnh nhân được hưởng BHYT như có những người mắc HCV nhưng không được chỉ định điều trị (già trên 70 tuổi, dưới 2 tuổi, mắc bệnh mạn tính); có thời gian đóng BHYT ít nhất 3 năm và đặc biệt là BHYT nên ký hợp đồng với nhà sản xuất để được cung ứng giá thuốc rẻ. Hơn nữa, không phải bệnh nhân nào cũng phải điều trị 48 tuần mà có khi chỉ 3 hoặc 6 tháng là đáp ứng được hiệu quả điều trị.
Còn TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho rằng xét khía cạnh kinh tế, việc điều trị HCV ngay từ đầu sẽ là lợi ích cả về kinh tế lẫn cộng đồng xã hội. Đó là giảm bớt số người chuyển qua xơ gan, ung thư gan và hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng. “Thế nhưng nghịch lý ở chỗ xơ gan, ung thư gan được BHYT thanh toán, còn điều trị viêm gan lúc đầu thì chưa được”, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu băn khoăn.

No comments:

Post a Comment