3/29/2013

Các loại viêm gan siêu vi B

– HBsAg

Đây là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen, tức là chất kháng nguyên bề mặt của viêm gan siêu vi B. Xét nghiệm máu để tìm HBsAg có ý nghĩa quan trọng và chính yếu nhất trong việc phát hiện bệnh viêm gan siêu vi B. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, điều đó có nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B. Chất HBsAg sẽ tăng nhanh từ 1 đến 10 tuần lễ sau khi bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp cơ thể đủ khả năng vượt qua cơn bệnh, HBsAg sẽ từ từ giảm dần và hoàn toàn biến mất trong vòng từ 4 đến 6 tháng. Nếu chất HBsAg không mất đi mà tiếp tục hiện diện lâu hơn 6 tháng, điều đó có nghĩa là bệnh đã phát triển thành viêm gan siêu vi B mạn tính (chronic hepatitis). Có khoảng chừng 10% số người nhiễm siêu vi B rơi vào trường hợp kém may mắn này.

– HBsAb

Đây là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antibody, tức là chất kháng thể của cơ thể phát sinh để chống lại kháng nguyên mặt ngoài của viêm gan siêu vi B. Sự hiện diện của kháng thể này cho thấy cơ thể đã có khả năng chống lại siêu vi B. Nói cách khác, người có kháng thể này có khả năng miễn nhiễm (immune) với siêu vi B.

Tuy nhiên, thực tế có phần không hoàn toàn đơn giản như vậy. Theo như đã được biết, hiện nay trong thiên nhiên có nhiều loại siêu vi B khác nhau. Tùy theo mẫu tín hiệu (codon) trên nhiễm thể DNA, siêu vi B được phân chia thành 6 kiểu di truyền (genotype) và mỗi kiểu lại chia thành 4 nhóm nhỏ hơn (subtype).

Để có khả năng miễn nhiễm đối với tất cả các loại siêu vi B, cơ thể cần có những kháng thể thích hợp khác nhau. Điều may mắn là khoảng 75% bệnh nhân khi đã được miễn nhiễm thì kháng thể HBsAb của họ sẽ có khả năng tiêu diệt tất cả các loại siêu vi B. Số người còn lại, khoảng 25%, có kháng thể chỉ giúp miễn nhiễm đối với một vài loại viem gan sieu vi B. Vì thế, khi gặp phải những loại siêu vi B khác hơn, họ vẫn có thể bị tấn công và mắc bệnh. Biểu hiện đặc biệt của trường hợp này là máu của bệnh nhân sẽ cùng lúc có cả kháng thể viêm gan B (HBsAb) và kháng nguyên bề mặt của siêu vi B (HBsAg). Vì thế, tuy có kháng thể chống siêu vi B trong cơ thể, nhưng những người này vẫn được xem là đang bị nhiễm siêu vi viêm gan B.

– HBcAb

Đây là từ viết tắt của Hepatitis B core Antibody, tức là kháng thể chống lại kháng nguyên của nhân siêu vi B. Người ta còn phân biệt được 2 loại kháng thể này: HBcAb IgM và HBcAb IgG.

HBcAb IgM là loại kháng thể xuất hiện và gia tăng nồng độ rất nhanh ngay trong thời gian bị viêm gan cấp tính do siêu vi B. Sau khi đẩy lùi cơn bệnh, nồng độ kháng thể này trong máu sẽ giảm dần. Vì thế, nó được xem là loại kháng thể tạm thời, mang tính “cấp cứu” cho cơ thể. Ngược lại, kháng thể HBcAb IgG là loại kháng thể phát sinh và tồn tại lâu dài trong cơ thể, giúp người ta có thể miễn nhiễm đối với siêu vi B về sau.

Trong một số trường hợp, khi bệnh gan siêu vi B đột nhiên tái phát trầm trọng, nồng độ kháng thể HBcAb IgM cũng sẽ tăng cao trở lại trong máu của bệnh nhân.

Nói theo một cách khác, kháng thể HBcAb IgM gần như có liên quan trực tiếp đến diễn tiến bệnh trạng của gan. Vì thế, sự thay đổi của HBcAb IgM có thể được dùng như một yếu tố để theo dõi tiến triển của bệnh trong thời gian điều trị.

Tóm lại, trong xét nghiệm máu loại này, HBcAb dương tính cho thấy cơ thể đã từng bị nhiễm siêu vi benh gan B.

Nếu bệnh vẫn còn đang phát triển trong cơ thể, HBcAb IgM sẽ có nồng độ tăng cao. Nếu bệnh đã bị đẩy lùi vào một lúc nào đó trước đây, HBcAb IgG sẽ dương tính. Vì thế, một số cơ quan tiếp nhận máu xem đây là một trong những yếu tố để chọn lọc. Qua xét nghiệm, các đơn vị máu có sự hiện diện của HBcAb sẽ bị loại bỏ.

No comments:

Post a Comment