10/31/2019

Những sai lầm dễ mắc phải khi ăn ngao

Là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và dễ dàng kết hợp trong chế biến món ăn hàng ngày. Thịt ngao chứa chất làm hạ cholesterol trong máu công hiệu mạnh hơn cả thuốc. Đây là món ăn thích hợp cho người ho hen, tiểu  đường, người bị trĩ, phù nước, trướng bụng, người sưng tuyến giáp trạng, bí đái, xơ vữa  động mạch, phụ nữ ra nhiều khí hư.

Tuy nhiên, trong gia đình có nhiều người ở những lứa tuổi và bệnh lý khác nên việc trong thực đơn hàng ngày cũng cần lưu ý những điều sau đây:

Không ăn quá nhiều

Theo các chuyên gia, ăn ngao 2 lần/tuần sẽ giúp kiểm soát cân nặng. Do protein trong ngao là loại rất ít kalo, giúp ngăn ngừa béo phì, nhất là phụ nữ mang thai. Vì khi mang thai, phụ nữ thường gặp phải tình trạng stress do sự thay đổi hoocmon, khi ăn ngao sẽ giúp cơ thể sảng khoái, đẩy lùi phiền muộn và bức bối.

Không tốt cho trẻ dưới 1 tuổi

Ngao không những giúp cho trẻ tiêu hóa tốt, tăng cảm giác ngon miệng mà còn là một yếu tố giúp phát triển chiều cao tốt ở trẻ. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi ăn thì không nên ăn rất dễ bị lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy.

Không ăn cùng hoa quả

Tuyệt đối không nên ăn hoa quả ngay sau khi ăn canh ngao hay cháo ngao vì sẽ lạnh bụng, tiêu chảy. Ngoài ra ăn ngao còn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi, protein có trong con ngao hoặc tạo thành chất không hòa tan gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

Không ăn khi bị gout

Ngao là một loại thực phẩm có hàm lượng đạm cao, purin cao. Chất purin trong cơ thể sẽ được phân giải thành axit uric - nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Vì thế người ta khuyến nghị không nên ăn nhiều ngao đối với những người có bệnh gout hoặc tiền sử bệnh gout.

Không ăn khi bị nhiễm lạnh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngao tính hàn nên người bị cảm lạnh nên hạn chế ăn ngao để giảm khả năng bị cảm lạnh. Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất nên cho trẻ sử dụng vào mùa hè, vì nếu trong thời tiết giá lạnh, trẻ ăn ngao dễ dẫn đến lạnh từ bên trong, không tốt cho cơ thể.

Không ăn khi cơ địa dị ứng

Protein trong ngao có thể hấp thu trực tiếp qua đường tiêu hóa nó là dị nguyên, gây dị ứng mạnh. Khi ăn ngao có thể gây dị ứng, thậm chí tiêu chảy, nôn, phát ban. Vì thế những người dị ứng nên cân nhắc ăn.

Ngoài ra, người mắc bệnh thận, viêm loét dạ dày, ăn khó tiêu cũng không nên ăn ngao

#nấu_cỗ_29

Gợi ý 2 món tôm nướng cho bữa tiệc nhà bạn

Từ nguyên liệu là tôm tươi, bạn có thể kết hợp với thịt bò, chả da hay sa tế... để chế biến nên các món ăn thơm ngon, lạ miệng phù hợp với bữa tiệc gia đình bạn.

1. Tôm cuộn thịt bò nướng

Tôm cuộn thịt bò nướng

Nguyên liệu:

- 200 g chả da, 200 g thịt bò phi lê, 200 g tôm sú sống.
- 50 g ớt xanh, muối, chanh, 1 thìa canh sả bằm, ½ thìa canh tỏi bằm, nước tương, đường cát, tiêu, 1 thìa canh ớt sa tế.

Cách chế biến:

- Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng vừa ăn. Tôm lột vỏ để nguyên đầu.
- Ướp thịt bò với tỏi bằm, nước tương, đường, ớt sa tế trong khoảng 5 phút. Sau đó lấy thịt bò cuộn tròn từng con tôm một. Để thêm khoảng 5 phút cho thấm gia vị trước khi nướng.
- Đặt vỉ nướng lên lò, lót giấy bạc rồi xếp tôm lên nướng chín.
- Chả da thái lát xéo mỏng, kẹp chung với tôm nướng thịt bò, ăn kèm với muối ớt xanh.

2. Tôm nướng sa tế

Tôm nướng sa tế

Nguyên liệu:

- 1/2 kg tôm sú còn sống.
- 1 chén tướng ớt sa tế.

Cách chế biến:

- Tôm sú cắt bỏ chân, cắt dọc lớp vỏ dưới bụng để tôm thấm gia vị khi ướp. Rửa sạch, để ráo nước.
- Ướp tôm với ớt sa tế trong khoảng 20 phút. Trước khi nướng, dùng que tre nhỏ xiên dọc theo thân tôm để giữ hình dáng tôm thẳng khi nướng.
- Bạn có thể nướng chín tôm trên vỉ hoặc nướng trên giấy bạc đều được. Tôm nướng chín ăn kèm với tương ớt hoặc muối ớt xanh sẽ đậm đà, ngon miệng hơn.

#nấu_cỗ_29

3 cách làm nộm sứa ngon nhất

Nộm sứa có thể làm khai vị hay ăn kèm cơm cũng đều rất ngon, từng miếng sứa trong vắt, giòn sần sật hòa thấm vị chua ngọt của chanh đường hấp dẫn người thưởng thức.

1. Cách làm nộm sứa xoài xanh

 Sứa biển chế biến được khá nhiều món ngon như lẩu sứa, bún sứa, gỏi sứa. Sau đây là món nộm sứa xoài xanh.

Đây là một gợi ý hay cho những bà nội trợ bận rộn hay những ông bố không khéo tay lắm cũng có thể tự làm được cho mình một đĩa mồi.

nộm sứa xoài xanh

Nguyên liệu: 

- Nộm sứa: 200gr/túi đã ngâm sẵn gia vị bán rất nhiều trong các siêu thị

- Xoài xanh: 1 quả

- Cà rốt: 1 củ

- Hạt điều hoặc lạc (đậu phộng)

- Nước chấm theo tỉ lệ: 2 nước mắm : 2 dấm : 1 đường

- Tỏi, ớt

- Rau thơm, rau mùi, kinh giới

 Cách làm: 

- Cắt túi sứa, đổ sứa ra một cái rây cho ráo nước

- Xoài, cà rốt bào sợi, bóp qua với chút muối cho ra bớt nước rồi vắt nhẹ

- Các loại rau nhặt rửa sạch

- Hạt điều hoặc lạc rang chín, bỏ vỏ rồi giã dập

- Pha nước trộn gỏi theo tỉ lệ như trên. Tỏi bóc vỏ, ớt bỏ hạt băm nhỏ rồi cho vào nước trộn gỏi

- Cho sứa, xoài, cà rốt vào tô, rưới nước trộn gỏi vào trộn đều để 10ph cho ngấm

- Trước khi ăn trộn rau vào, rắc hạt điều/lạc lên trên

 Mách nhỏ: Thường thì các món gỏi trộn hay đi kèm với lạc rang, tuy nhiên hãy thử thay bằng hạt điều một lần nhé.Vị bùi, giòn của hạt điều chắc chắn sẽ khiến món gỏi trở nên ngon hơn, lạ miệng hơn.

2. Cách làm nộm sứa hoa chuối

Nộm sứa hoa chuối

Nguyên liệu:

 - Sứa: 300 gram (chọn mua sứa đã được sơ chế và đóng túi sẵn).

- Hoa chuối: 1/2 cái.

-Tai lợn: 1/2 cái

- Xoài xanh chua: 1 quả

- Cà rốt: 1 củ.

- Các loại rau thơm: Mùi tàu, kinh giới, húng thơm…

- Chanh, ớt, riềng….

- Vừng, lạc.

- Muối, đường, mì chính…

Cách làm nộm sứa hoa chuối

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế sứa và tai lợn:

 - Đầu tiên bạn cắt bỏ túi sứa và trút ra một cai rổ cho ráo nước, tiếp theo rửa qua một hai lần với nước lạnh, cuối cùng trần với nước sôi tầm 5 -10 phút để sứa hết mùi tanh. Sau đó vớt ra để thật ráo nước.

-Tai lợn rửa sạch cho vào nồi luộc chín sau đó đem ngâm ngay vào nước lạnh cho giòn, sau đó thái thật mỏng.

 Bước 2: Sơ chế các loại rau gia vị kèm theo

- Hoa chuối bạn thái sợi nhỏ và mỏng sau đó đem ngâm vào một chậu nước có chứa nước gạo, dấm ăn và muối để hoa chuối được giòn và trắng. Tiếp theo bạn vớt hoa chuối ra và rửa lại nhiều lần cho sạch rồi vắt khô.

- Xoài xanh và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và đem bào thành sợi nhỏ vừa để tăng thêm gia vị vừa giúp món ăn hấp dẫn hơn.

- Riềng cạo vỏ rửa sạch sau đó đem giã thật nhỏ cho thơm. Giã riềng sẽ làm món ăn của bạn thơm, các miếng riềng mềm hơn so với việc cho vào máy xay sinh tố để xay.

- Vừng, lạc bạn rang riêng từng loại sau đó vò cho hết vỏ rồi đập dập để tăng hương vị cho món nộm sứa.

- Các loại mùi tàu, kinh giới, húng thơm bạn đem thái nhỏ.

  Bước 3: Tiến hành làm nộm sứa hoa chuối

- Cho sứa và tai lợn vào một âu lớn sau đó nêm gia vị cho đậm đà, tiếp theo bạn cho hoa chuối vào và đảo đều lên.

- Tiếp thục cho thêm xoài xanh chua và cà rốt bào sợi vào đảo đều. Thêm chanh, ớt, đường, muối sao cho vừa khẩu vị của bạn

- Đầu tiên là bạn bỏ sứa là một cái chậu lớn rồi nêm nếm chút gia vị để sứa của bạn đậm dà hơn sau đó cho thêm hoa chuối khô vào đảo đều.

- Tiếp tục thêm xoài xanh, cà rốt vào đảo đều.Nêm nếm độ chua cay, mặn ngọt với ớt đường, muối và chanh sao cho vừa khẩu vị với bạn.

- Bước cuối cùng bạn cho thêm các loại rau thơm vào đảo đều và bày ra đĩa. Trước khi ăn bạn cho thêm lạc và vừng rang lên trên và thưởng thức.

- Nộm sứa hoa chuối giòn giòn với sứa và tai lợn, ngấm đủ gia vị chua cay mặn ngọt, thơm mùi lạc và vừng rang cùng các loại rau thơm. Đây chắc chắn là món hấp dẫn trên bàn ăn được nhiều người ưu ái bởi độ thanh mát mà không có dầu mỡ.

 3. Cách làm nộm sứa dưa chuột

nộm sứa dưa chuột

 Nguyên liệu:

- 2 túi sứa

- 2 quả dưa chuột

- 1 củ tỏi

- Đường, muối, hạt tiêu, dầu mè…

Cách làm:

- Sứa cho riêng ra bát.

- Lấy 1 quả dưa chuột thái chỉ. Nếu lựa phải quả dưa chuột hơi già thì nên bỏ hạt. Một quả dưa chuột thái miếng vát để trang trí.

- Tỏi bóc vỏ, băm thật nhuyễn.

- Cho ít nước lên bếp, đun sôi, sau đó nhúng sứa vào nước sôi chừng 10 giây rồi vẩy ráo nước. Khâu này bạn phải làm thật nhanh tay, nếu để lâu quá sứa sẽ bị cứng.

- Cho sứa vào bát to, cho dưa chuột thái chỉ, tỏi băm, ít dấm, đường, gia vị, hạt tiêu, ớt băm, dầu mè rồi trộn thật đều để các nguyên liệu ngấm gia vị. Cuối cùng là ít rau thơm và lạc rang nếu thích.

- Trút món nộm sứa ra đĩa, trang trí bằng dưa chuột đã thái vát.

#nấu_cỗ_29

Những điều cần lưu ý khi tổ chức tiệc cưới tại nhà

Khi cưới tại nhà, cô dâu chú rể sẽ vất vả và có nhiều việc hơn, vì vậy bạn nên vạch sẵn ra những điều quan trọng cần có để tránh mắc phải thiếu sót.

Khi tổ chức đám cưới, nhiều cô dâu chú rể xuất thân từ các tỉnh khác nhau sẽ phải tổ chức cưới tại quê nhà, đãi tiệc mời họ hàng, người thân ở quê hương. Đa số các gia đình không tổ chức tiệc ở các nhà hàng như thành phố mà nấu cỗ ngay tại gia đình . Ngoài ra, các công việc chuẩn bị cho ngày cưới chủ yếu cũng do người thân, bạn bè trợ giúp. Khi cưới tại nhà, cô dâu chú rể sẽ vất vả và có nhiều việc hơn, vì vậy bạn nên vạch sẵn ra những điều quan trọng cần có để tránh mắc phải thiếu sót.

1. Phông bạt

Vì không cưới ở nhà hàng mà đãi tiệc ngay tại nhà cô dâu chú rể nên việc phông bạt trong đám cưới là điều quan trọng không thể thiếu. Gia đình bạn có thể mượn những không gian đất trống gần nhà như trường học, cơ quan, sân bóng... để dựng rạp. Rạp tại nông thôn thường lớn, chứa được ít nhất từ 100 người tới vài trăm người nên cần dựng chắc chắn, vừa để che mưa nắng, vừa là nơi đặt tiệc đãi khách.

Để trang trí cho hôn lễ, cô dâu chú rể đừng quên in phông có tên và ảnh cưới cả hai để treo lên trong rạp. Đây được coi như cách ghi dấu ấn hiệu quả và khách mời sẽ chú ý hơn tới hình ảnh cưới của bạn. Khi chụp ảnh cưới, bạn nên đặt làm phông ngay tại hàng chụp ảnh để họ sử dụng những tấm hình có sẵn thiết kế nên phông phù hợp. Phông tại quê nhà thường có cách thiết kế cầu kỳ, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của khách mời.

Vì không cưới ở nhà hàng mà đãi tiệc ngay tại nhà cô dâu chú rể nên việc phông bạt trong đám cưới là điều quan trọng không thể thiếu

2. Các phụ kiện trang trí

Đám cưới tại quê nhà không cầu kỳ với hoa tươi, đèn nến lung linh nhưng các phụ kiện trang trí tối thiểu như chữ "Hỷ" đỏ, bảng tân hôn và vu quy, cổng bóng, cổng hoa cũng không thể thiếu. Nếu muốn đơn giản, cô dâu chú rể nên chọn cổng bóng để trang trí cho ngôi nhà. Nếu muốn đặt cổng hoa, bạn cũng có thể cân nhắc chọn hoa giả vì nếu đặt ngoài trời nắng, hoa thật dễ khô héo, không đẹp.

Khi dựng rạp, không gian thường tối nên không thể thiếu những bóng đèn chiếu sáng. Ngoài ra, khi tổ chức cưới vào mùa hè, cô dâu chú rể cũng cần chuẩn bị nhiều quạt điện, đặt trong rạp để xua tan cái nóng, làm khách mời thoải mái.

3. Âm thanh - Ánh sáng

Tại nhiều đám cưới ở các tỉnh, phần văn nghệ, ca hát được xem như phần quan trọng vì vậy cô dâu chú rể cần bàn bạc cùng cha mẹ để thu xếp thuê loa, micro và chuẩn bị các đĩa hát quen thuộc để khách mời giải trí trong khi chờ tới hôn lễ chính thức.

4. Tiệc mời khách

Tiệc ở đám cưới tại các tỉnh đa số đều do người thân trong nhà tới giúp chuẩn bị. Đây thường là công việc do các vị phụ huynh toàn quyền quyết định, nhưng cô dâu chú rể cũng nên quan tâm bằng cách hỏi trước thực đơn và sự phân công nấu nướng. Bạn nên góp ý với cha mẹ chọn những món ăn thông dụng, dễ ăn để hợp với khẩu vị của các vị khách. Ngoài ra, bạn cũng nên nắm rõ được ai phụ trách phần việc gì trong tiệc để biết cách điều chỉnh và đảm bảo tiệc diễn ra suôn sẻ.

Tiệc ở đám cưới tại các tỉnh đa số đều do người thân trong nhà tới giúp chuẩn bị

5. Xe hoa và xe đưa đón gia đình

Dù nhà trai và nhà gái ở gần hay xa nhau, thì trong phong tục cưới hỏi truyền thống của Việt Nam, nhà trai vẫn phải trang trí xe hoa, thuê xe du lịch để chở họ hàng tới nhà gái, đón cô dâu mới. Nhà trai cũng phải thuê sẵn xe để chở những vị khách của nhà gái đi đưa cô dâu về nhà chồng.

Trong đám cưới, ngoài đội bê tráp, nhà trai sẽ có từ 5 - 7 người đi cùng để tới gặp mặt gia đình . Tới lúc đón dâu, thành phần gia đình có thể tăng lên từ 10 người, thậm chí là 30 - 40 người, bao gồm cả đoàn đưa dâu của nhà gái cùng tham gia nghi lễ quan trọng này. Nhà trai cần thống nhất số lượng người đi xe để có lựa chọn hợp lý nhất. Nhà trai chuẩn bị xe cho nhà gái sẽ biểu lộ sự tôn trọng của gia đình chú rể dành cho gia đình cô dâu và thể hiện sự chu đáo.

#nấu_cỗ_29

Những điều cần chuẩn bị khi tổ chức sinh nhật cho bé

Sắp đến sinh nhật bé yêu rồi và bạn dự định tự tổ chức một buổi tiệc cho bé nhưng không biết phải chuẩn bị từ đâu? Cùng Nấu Cỗ 29 xem qua vài gợi ý dưới đây trước khi bắt tay vào thực hiện nhé!

Chủ đề bữa tiệc

Đây là vấn đề đầu tiên bạn phải xác định. Chủ đề bữa tiệc rất quan trọng, nó là nền tảng để bạn quyết định cách trang trí bữa tiệc như thế nào, cách lựa chọn bánh kem hay cách chọn lựa trang phục cho bé… Sẽ thật là kỳ cục nếu như chủ đề bữa tiệc là cướp biển nhưng bánh kem lại có hình siêu nhân.

Bạn có thể để ý xem dạo gần đây bé yêu thích cái gì để có thể chọn chủ đề phù hợp với sở thích của bé.

Địa điểm

Việc tiếp theo bạn cần làm là xác định xem bạn định tổ chức tiệc ở đâu. Bạn có thể tổ chức ở nhà hoặc ra nhà hàng. Hiện nay có rất nhiều nơi nhận đặt tiệc sinh nhật cho bé. Nếu định tổ chức ở nhà hàng, bạn nên đến nơi để xem trước tình hình xem liệu nơi đó có phù hợp với bé không. Tiếp nữa là bạn nên xác định xem có cần trang trí gì thêm không.

Nếu như tổ chức ở nhà, bạn cần dọn dẹp nhà cửa từ trước. Dọn dẹp bớt đồ đạc để có không gian cho bé và các bạn chơi đùa.

Lên danh sách khách mời

Bạn định mời ai đến dự tiệc sinh nhật của bé? Việc đầu tiên trước khi lên danh sách khách mời là bạn phải xác định tư tưởng của mình từ trước. Bữa tiệc này là nơi bé vui chơi với bạn bè hay là nơi giao lưu của những người lớn?

Bạn cũng nên cân nhắc về số lượng các bé được mời đến tiệc sinh nhật. Không nên mời quá nhiều nếu như bạn không muốn chứng kiến màn khóc lóc dành giựt đồ chơi của các bé.

Quyết định món ăn

Bạn có thể lên danh sách vài món đơn giản, dễ ăn dễ nấu. Những món không nên bỏ qua là bánh kẹo, rau câu và trái cây.

Ngoài ra, bạn cũng cần vài món mặn để đảm bảo cho các bé không bị đói sau khi chơi mệt.Thay vì sử dụng những loại nước ngọt có ga, bạn có thể thay bằng sữa hoặc các loại nước ép trái cây để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.

Tổ chức trò chơi

Trò chơi là một phần không thể thiếu trong bữa tiệc sinh nhật bé. Thực tế, trò chơi là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của bữa tiệc. Bạn có thể chuẩn bị vài trò chơi đơn giản. Có một trò chơi rất phổ biến trong bữa tiệc sinh nhật của các bé phương tây: Trong ngày sinh nhật, ba mẹ bé sẽ làm ra một hình nộm chứa rất nhiều bánh kẹo bên trong và cho bé bịt mắt rồi đập hình nộm để bánh kẹo rơi ra. Nếu thích, bạn có thể làm thử xem sao! Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ những chú hề đến và giúp vui cho không khí.

Trang trí

Tùy thuộc vào chủ đề bạn chọn ban đầu mà bạn sẽ mua đồ trang trí cho phù hợp. Có thể mua bóng bay hoặc dán hình trên tường. Trong trường hợp tổ chức tiệc ở nhà, bạn cũng có thể chuẩn bị muỗng, đũa, ly, đĩa… cho phù hợp với chủ đề mà bạn chọn. Ngoài chợ và các siêu thị có bán những chiếc đĩa nhựa in hình, bạn có thể ra đó và tìm thử xem!

Quà mang về

Bạn có thể chuẩn bị sẵn cho mỗi bé một phần quà mang về. Không cần cầu kỳ. Đơn giản là vài cái bánh, một ít kẹo hay một cái bóng bay. Hẳn các bé sẽ thấy rất thích thú khi nhận được phần quà như vậy.

#nấu_cỗ_29