Về mặt điều trị, phải lưu ý những dấu chứng lâm sàng và xem đây là các mục tiêu của điều trị bệnh nha chu. Trong đó yếu tố thẩm mỹ hẳn nhiên là một trong những mục tiêu khó quyết định nhất, tương ứng với đòi hỏi cao của bệnh nhân.
Trong trường hợp bị bệnh viêm nha chu, sau khi khám cẩn thận, chẩn đoán chính xác, lập một kế hoạch điều trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa nha chu hoặc bác sĩ RHM đa khoa thông tin cho biết về trình tự thực hiện kế hoạch điều trị cũng như ý nghĩa, hiệu quả, kết quả của việc điều trị như thế nào - từ các thủ thuật điều trị đơn giản đến các phương pháp điều trị phức tạp.
Kế hoạch điều trị được xác định tùy theo dạng bệnh khi bệnh nhân đến khám. Thông thường có 4 loại điều trị căn bản thường được áp dụng:
a. Điều trị khẩn cấp
Khi nào bệnh nha chu được điều trị khẩn cấp? Đây là câu hỏi chung của rất nhiều người.
Khi ở vùng nướu hoặc niêm mạc có ổ mủ (áp-xe = abcès) thì sẽ có chỉ định điều trị khẩn cấp.
Nhưng làm thế nào để biết được đó là ổ mủ nha chu? (thuật ngữ chuyên môn gọi là chẩn đoán). Nếu có ổ mủ nha chu như vậy thì có tự điều trị được không, hay phải đi khám bác sĩ chuyên khoa?
Thông thường, khi bị áp-xe như vậy, mọi người thường có thói quen đến nhà thuốc tân dược để mua vài loại kháng sinh (theo kinh nghiệm) rồi tự điều trị. Nếu may đúng thuốc, đúng hàm lượng, liều lượng điều trị thì ổ mủ sẽ giảm hoặc khỏi hẳn. Nhưng bệnh thì không khỏi. Lý do tại sao? Vì ổ mủ chỉ là cơn cấp tính của bệnh. Nói ổ mủ thì phải phân biệt ổ mủ của nướu hay ổ mủ do bệnh viêm nha chu (chuyên môn gọi là chẩn đoán phân biệt), và mỗi loại này có cách điều trị khác nhau. Chỉ có bác sĩ RHM đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nha chu mới chẩn đoán phân biệt được và cho kế hoạch điều trị chính xác.
Vấn đề làm thế nào để chẩn đoán phân biệt không thuộc phạm vi bài viết này. Chỉ tạm tóm tắt là:
Khi cảm thấy, nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối sưng ở vùng nướu hoặc niêm mạc có màu đỏ, đau nhiều hay ít, sờ thấy phập phều thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị bệnh sớm (cho dù có thể tự điều trị đẩy lui được cơn cấp tính).
Nếu tự điều trị ổ mủ giảm, hết đau, không đi khám chuyên khoa thì sau đó sẽ như thế nào?
Bệnh vẫn tồn tại và đi vào trạng thái mạn tính, sau đó thỉnh thoảng bộc phát cơn cấp tính, cứ tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng. Nếu ở giai đoạn bệnh về nướu thì có thể chuyển sang giai đoạn bệnh viêm nha chu, là giai đoạn nặng. Nếu là một ổ mủ của bệnh viêm nha chu thì bệnh diễn tiến tương tự theo chu kỳ, ngày càng trầm trọng và răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng đưa đến mất răng.
b. Điều trị nha chu không phẫu thuật
Đây là loại điều trị căn bản nhất vì tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên cho mọi kế hoạch điều trị bệnh nha chu. Ở giai đoạn điều trị này, nếu có sự hợp tác của bệnh nhân thì kết quả rất khả quan. Loại điều trị này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện qua 2 bước:
+ Điều trị sơ khởi
Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.
Ở bước điều trị này, bác sĩ phải loại bỏ các yếu tố vừa kể bằng cách:
- Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.
- Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.
- Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).
- Cố định răng (nếu răng lung lay).
- Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).
- Cạo cao răng - xử lý mặt gốc răng
- Cạo cao răng (vôi răng)
Đây là một thủ thuật điều trị không nhất thiết phải do bác sĩ thực hiện, và nó được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu, nhất là với những trường hợp viêm nướu sẽ cho kết quả rất khả quan. Cạo cao răng là thủ thuật nhằm loại sạch vôi răng, mảng bám bằng dụng cụ cầm tay hoặc bằng máy siêu âm, làm láng mặt răng, tạo điều kiện cho mô nướu lành thương, trở lại trạng thái sinh lý của nướu. Do đó, bệnh nướu răng là dạng bệnh nha chu có tính hoàn nguyên.
Về mặt chuyên môn, thủ thuật điều trị này không làm hư răng, không làm mòn răng.
- Hư răng: ở đây thuật ngữ này muốn nói có ảnh hưởng đến bệnh lý tủy răng hay không?
Nếu sử dụng dụng cụ cầm tay thì không ảnh hưởng gì đến tủy răng, vì thao tác này tuy có sự ma sát giữa dụng cụ và mặt răng, nhưng với một biên độ di chuyển rất ngắn, nhẹ nhàng, dụng cụ sẽ không làm tăng nhiệt độ và gây hại cho tủy răng.
Nếu sử dụng máy siêu âm thì bắt buộc phải có nước phun sương liên tục với hai mục đích: Vừa không làm tăng nhiệt độ vừa rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó cũng không ảnh hưởng gì đến tủy răng. Nhưng nếu vì lý do não đó, lúc sử dụng máy không có nước phun sương thì sẽ làm gia tăng nhiệt độ ở bề mặt răng, vì vậy không sử dụng máy trong tình trạng máy chạy không có nước phun sương.
- Mòn răng: Không gây mòn răng cho dù với dụng cụ cầm tay hay với máy siêu âm nếu người điều trị được huấn luyện, đào tạo cách sử dụng dụng cụ một cách thành thạo. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật vôi ra khỏi mặt răng, chứ không có tác dụng mài mòn như máy siêu tốc dùng tạo xoang để trám răng. Hiệu ứng của máy cạo vôi siêu âm là đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng đấy là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì, không gây hại cho răng.
Tuy nhiên, nếu sử dụng dụng cụ không thành thạo sẽ có nguy cơ làm tổn thương mô mềm với dụng cụ cầm tay và tổn thương mô cứng với máy siêu âm (trầy, sướt bề mặt răng).
Trên đây là hai phương tiện cạo vôi răng phổ biến nhất, hiệu quả nhất.
- Xử lý mặt gốc răng
Thủ thuật này được sử dụng để điều trị viêm nha chu, gọi là điều trị không phẫu thuật, do bác sĩ RHM đa khoa thực hiện nếu bệnh viêm nha chu nhẹ, nghĩa là túi nha chu không sâu lắm, độ mất bám dính ít, tiêu xương trên xương. Nếu bệnh nặng hơn, túi nha chu sâu (> 5mm, mất bám dính nhiều, tiêu xương ổ răng trầm trọng, viêm túi dưới xương hoặc túi trong xương), phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Dù ở mức độ nào của bệnh, nếu sau khi điều trị không phẫu thuật, bệnh không thuyên giảm, bước điều trị kế tiếp phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu tái khám và điều trị phẫu thuật.
c. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ áp dụng khi đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường nhưng bệnh không có dấu hiệu đáp ứng.
Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật nha chu và phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu thực hiện.
>>> xem thêm: bệnh viêm nha chu có chữa được không
d. Điều trị duy trì
Điều trị duy trì là gì? Có thể nói một bệnh nhân chuyển sang điều trị duy trì là bệnh đã được điều trị tốt. Điều trị duy trì có nghĩa là làm thế nào để bệnh không tái phát, nói cách khác là kiểm soát được bệnh bằng cách kiểm soát màng bám vi khuẩn và tái khám định kỳ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là giai đoạn điều trị duy trì kéo dài bao lâu? Ở bệnh viêm nha chu, điều trị duy trì kéo dài suốt thời gian các răng còn tồn tại trên cung hàm.
Kết quả điều trị tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố:
Nếu ở thời kỳ chỉ là bệnh viêm nướu thì kết quả điều trị rất khả quan. Vì bệnh nướu là bệnh hoàn nguyên nên sau khi điều trị, nướu sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước khi bị bệnh.
Nếu đã viêm nha chu, kết quả điều trị tùy thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ tiêu xương, phương tiện, phương pháp và kỹ năng điều trị của bác sĩ cùng các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân nếu có. Tuy nhiên, còn có một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
No comments:
Post a Comment